“Đổi mới giáo dục - Những việc cần làm ngay” -Nên đầu tư có trọng điểm

GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội:
 Kinh phí cho đề án còn mờ nhạt

 


Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự chuẩn bị tương đối kỹ và tích cực, nhưng rõ ràng thực hiện đổi mới không dễ dàng. Chúng ta định hướng thay đổi khá căn bản thì cần có sự chuẩn bị, không chỉ về ý tưởng và nội dung mà còn về con người, điều kiện vật chất, tài chính thực hiện. Ý tưởng thay đổi căn bản nhất là mục tiêu từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất của người học. Thay đổi mục tiêu như vậy sẽ kéo theo một loạt thay đổi về chương trình nội dung, sách giáo khoa, về phương pháp, về kiểm tra đánh giá, tổ chức thực hiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo lại và đào tạo mới cả đội ngũ quản lý lẫn giáo viên.


Tôi thấy đề án này còn mờ nhạt về nguồn lực và động lực. Ví dụ, muốn đầu tư hơn nữa kinh phí cho hoạt động giáo dục nhưng lâu nay, tỷ trọng đầu tư theo quy định là 80% cho con người và 20% cho hoạt động giáo dục, vẫn chưa thực hiện được.


Bây giờ đề án giáo dục còn đề xuất tăng tỷ trọng hoạt động giáo dục nhưng lấy tiền ở đâu? Do đó, chúng ta phải chỉ ra được lấy tiền ở đâu hoặc là chỉ ra sử dụng nguồn tiền hiện có sao cho hiệu quả. Theo tôi, cần chọn nội dung ưu tiên chứ không thể dàn trải như hiện nay. Chúng ta chỉ bao cấp một số lĩnh vực cần thiết, phần còn lại cần xã hội hóa. Phải tạo động lực cho phát triển giáo dục. Động lực ấy dựa trên tinh thần cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục và cạnh tranh giữa cơ sở sử dụng nguồn nhân lực. Cơ sở sử dụng nhân lực chấp nhận trả lương cao cho nhân lực được đào tạo trình độ cao với điều kiện chương trình đó giúp nâng cao năng suất hiệu quả.


Nhà nước cần tạo cơ chế cạnh tranh theo chất lượng, hiệu quả, kể cả đối với cơ sở dạy, người học và người sử dụng lao động.Trong nhiều năm nay, khiếm khuyết của giáo dục là không có động lực vì chúng ta bao cấp dàn trải. Nhà nước chỉ bao cấp ở mức tối thiểu cho người không có điều kiện chi trả thêm. Bên cạnh đó, sẽ đáp ứng nhu cầu cho những gia đình có điều kiện về kinh tế, tự nguyện đóng học phí cao. Hiện nay, vì chúng ta không đáp ứng nhu cầu cho đối tượng này nên nhiều gia đình có điều kiện đã gửi con ra nước ngoài để học tập.

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ: Giao quyền tự chủ mạnh hơn cho các trường

 


Một trong những vấn đề làm trì hoãn phát triển nhanh bậc đại học là cơ chế tự chủ vẫn “kẹt” ở một số điểm. Cơ chế tự chủ có rộng mở thì mới tạo điều kiện phát triển nhanh cho các trường đủ năng lực, nguồn lực tốt. Hiện nay, tự chủ trong ngành nghề đào tạo vẫn theo cơ chế quản lý của Bộ là các trường phải làm đề án, xin phép… nên làm chậm tiến trình phát triển. Nếu cơ chế này được tháo gỡ thì các trường sẽ tự căn cứ vào nhu cầu nguồn lực của xã hội để triển khai công tác đào tạo phù hợp.


Vấn đề tiếp theo là nguồn lực tài chính của các trường (học phí và kinh phí do Nhà nước cấp). Nguồn Nhà nước cấp gồm lương và dự án cơ sở vật chất. Trong khi đó, học phí lại thấp. Chúng ta đang muốn trường nâng cao chất lượng nhưng nguồn lực cho đào tạo không đủ thì việc đổi mới sẽ gặp nhiều khó khăn. Chỉ khi cơ chế về tài chính được tháo gỡ, định mức học phí tốt hơn, nguồn lực Nhà nước đầu tư nhiều hơn và các trường được tự chủ hơn thì hoạt động đào tạo đại học ắt sẽ đạt hiệu quả tốt hơn.


Về vấn đề thi cử, quan điểm của tôi là kỳ thi tuyển sinh đại học xem như kỳ thi xác định điểm chuẩn vào đại học. Sau đó, tùy vào số điểm thi đạt được mà thí sinh được tuyển chọn vào trường chất lượng cao hay thấp. Khi nào thi phổ thông thật chuẩn mực, chính xác thì dùng điểm đó thi tuyển vào đại học.


Tôi nghĩ, chúng ta đang có thị trường lao động mở. Quan trọng là chúng ta cần công bố nhu cầu nhân lực toàn xã hội để mọi người tham khảo. Đáng tiếc, hiện cơ quan ngành hữu quan chưa có đầy đủ dữ liệu và triển khai tốt vấn đề này.


Đối với ngành xã hội không hấp dẫn thì cần có cơ chế đặc thù như miễn học phí đối với ngành sư phạm, hay như có cơ chế học phí và học bổng riêng cho ngành nông nghiệp nhằm thu hút “đầu vào”.


Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN