Theo Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển (ảnh): Đổi mới thi cử, kiểm tra, đánh giá sẽ có tác động đến đổi mới nội dung, phương pháp dạy học.
Trong những nhiệm vụ và giải pháp ngành đề ra trong Đề án đổi mới căn bản toàn diện thì khâu nào quyết định sự thành bại của Đề án, thưa Thứ trưởng?
Khâu kiểm tra, thi, đánh giá chất lượng giáo dục được coi là khâu đột phá. Sở dĩ như vậy bởi thực hiện khâu này không cần đầu tư nhiều. Đồng thời khi thay đổi cách thi, sẽ có tác động trở lại, làm thay đổi nội dung dạy học, phương pháp dạy học. Đây mới là nội dung chính và cần thiết phải thay đổi ngay.
Bản chất của kiến thức phổ thông là bền vững. Vì vậy, điều quan trọng là phải thay đổi được cách tiếp cận kiến thức để đạt hiệu quả cao. Trong lần đổi mới này, Bộ sẽ cố gắng đạt được mục tiêu ấy. Bên cạnh đó, cũng phải quan niệm rằng, mặc dù kiến thức bền vững, nhưng việc điều chỉnh, đổi mới chương trình phổ thông là bình thường. Sắp tới, sẽ có sách giáo khoa mới để thực hiện cho từng địa phương khác nhau và từng giai đoạn khác nhau.
Để đổi mới khâu thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, chúng ta cần phải làm ngay những việc gì, thưa Thứ trưởng?
Hiện nay, Bộ đã và đang hướng tới đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá. Cụ thể, đã ra đề thi theo hướng mở, xây dựng ma trận đề để tránh học tủ, học lệch. Đề thi cơ bản đã đáp ứng yêu cầu hướng tới phát triển năng lực của người học. Tuy nhiên, muốn đổi mới thi cử toàn diện và căn bản hơn, đúng với ý nghĩa của nó thì những yếu tố khác của chương trình giáo dục phổ thông cũng cần phải đổi mới theo. Ví dụ, thiết kế nội dung dạy học đảm bảo đánh giá theo quá trình, học đến đâu sẽ thi và kiểm tra, đánh giá đến đó. Sau đó, sử dụng kết quả đó trong kỳ đánh giá cuối cùng. Bên cạnh đó, phải kết hợp với phương pháp dạy học tốt hơn, khi đó có thể yêu cầu học sinh biết vận dụng kiến thức để phát huy tính sáng tạo.
Trước mắt kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được triển khai ra sao, thưa Thứ trưởng?
Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ hướng tới sự đơn giản hơn. Kết quả thi tốt nghiệp sẽ không chỉ dựa vào kết quả thi cuối cùng, mà còn dựa vào sự đánh giá của quá trình học của học sinh ở bậc THPT. Bài kiểm tra cuối cùng sẽ tăng cường vận dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp, chứ không chỉ kiểm tra kiến thức đơn thuần như hiện nay. Mặt khác, cách thức công nhận tốt nghiệp và kỳ thi cuối cùng cũng tạo cơ sở cho kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng; các trường đại học, cao đẳng có thể dựa vào kết quả trong quá trình học và thi để lựa chọn học sinh. Như vậy kỳ thi tốt nghiệp sẽ nhẹ nhàng hơn và đáp ứng được yêu cầu quá trình học đại học sau này.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Thu Trang - Lê Vân (thực hiện)