Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi Thừa Thiên - Huế nằm ven dãy Trường Sơn có 10.884 hộ với 48.193 khẩu đồng bào DTTS (chiếm 4% dân số toàn tỉnh), gồm các dân tộc Tà Ôi, Pa Kô, Bru, Vân Kiều, Pa Hy, Cơ Tu, ngoài ra còn có bộ phận nhỏ các dân tộc khác.
Những năm qua, thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng dân tộc miền núi, đời sống của đồng bào DTTS đã nhanh chóng được nâng cao, ổn định và phát triển bền vững. Bà Nguyễn Thị Sửu (ảnh), Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có dịp trao đổi với phóng viên TTXVN.
Xin bà cho biết hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư cho vùng DTTS, miền núi Thừa Thiên – Huế trong thời gian qua?
Cuộc sống lâu nay của đồng bào DTTS rất khó khăn, vất vả, mức thu nhập không đáng kể, trình độ dân trí thấp do phụ thuộc vào nhiều yếu tố như địa hình, thời tiết khí hậu, hậu quả của chiến tranh... Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước cùng với sự hợp lực chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính trị các cấp, sự nỗ lực phấn đấu tự vươn lên của chính đồng bào, nên diện mạo vùng miền núi phía Tây Thừa Thiên - Huế đã có nhiều đổi thay.
Trước hết, Chương trình 135 giai đoạn II (2006 - 2010) với tổng mức đầu tư 114,364 tỷ đồng đã giúp vùng DTTS đặc biệt khó khăn (ĐBKK) có cơ sở hạ tầng đồng bộ, khang trang. Đến nay, đã có 100% số xã có trường tiểu học và trung học cơ sở được đầu tư kiên cố và bán kiên cố; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã.
Các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng, phát huy hiệu quả. Diện tích lúa nước ngày một tăng; địa phương duy trì và tổ chức các lễ hội truyền thống để giữ gìn bản sắc dân tộc trong các thôn, bản; học sinh có điều kiện để đến trường, lớp. Người dân được nâng cao nhận thức pháp luật (trong công tác làm giấy khai sinh, hộ tịch…).
Những cô gái dân tộc Pa Kô cạo mủ cao su. Ảnh: Quốc Việt |
Trước đó, Chương trình 134 (2005 - 2008) với 63.732,4 tỷ đồng đã đầu tư trực tiếp đến từng hộ nghèo, không những giúp các hộ ổn định nơi ăn, chốn ở, có nguồn nước hợp vệ sinh để sinh hoạt, có tư liệu để sản xuất mà còn tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ tích cực về nhận thức của người dân trong phát triển sản xuất (chăn nuôi, trồng rừng...).
Hiện toàn vùng đã có 4.031 hộ được xóa nhà tạm, vượt 117% so với kế hoạch, 1.021 hộ được cấp đất ở mới với diện tích 16,46 ha, đạt 100% kế hoạch. Giải quyết khai hoang đất sản xuất 154,2/371,2 ha, cấp cho 835 hộ thiếu đất sản xuất, đạt 39,2%.
Xây dựng 25 công trình, giải quyết cho 2.091 hộ hưởng lợi và 3 trường tiểu học, nâng tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch từ 60% (năm 2005) lên 87,26% (năm 2007), tăng 27,26%.
Chương trình 33 (giai đoạn 2007 - 2010) thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư (ĐCĐC) cho đồng bào DTTS, với tổng kinh phí 11,5 tỷ đồng. Qua 3 năm, đã đầu tư cơ bản hoàn chỉnh 3 điểm ĐCĐC tập trung: Khe Bùn, xã A Ngo, huyện A Lưới; Tà Rị, xã Hương Hữu, Ta Rinh, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông.
Đến nay, đã có 66 hộ ổn định nơi ăn chốn ở tại 2 điểm ĐCĐC tập trung Tà Rị, Tà Rinh, huyện Nam Đông, số hộ còn lại sẽ tiếp tục chuyển đến vào cuối năm 2010. Chương trình 32 (2007 - 2010) về cho vay vốn không lãi với tổng vốn 8,121 tỷ đồng đã giúp đồng bào thuận lợi trong phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi.
Bên cạnh đó, các chương trình trợ giá, trợ cước (2006 - 2009) các mặt hàng chính sách đều đến tận người dân, đúng đối tượng. Với tổng vốn đầu tư 13.992 triệu đồng, đã sử dụng 70% diện tích giống mới cho năng suất cao như giống lúa cấp I, giống lúa lai Trung Quốc, giống ngô lai..., góp phần tăng năng suất lúa nước của vùng cao…
Theo bà, những tồn tại cần khắc phục đối với vùng đồng bào DTTS hiện nay là gì?
Hiện tại, sản xuất nông nghiệp đã có những bước tiến bộ mới, đồng bào các DTTS bước đầu đã tiếp cận với thị trường, đã chú trọng tạo đất sản xuất, lập vườn, trồng rừng kinh tế.
Công tác nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe, chăm lo đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường.
Tuy nhiên, nhìn nhận chiều sâu của sự phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc miền núi, còn một số vấn đề đáng chú ý như: Tính chất giảm nghèo, thoát nghèo chưa bền vững bởi đang phụ thuộc rất lớn vào điều kiện hưởng các chính sách có công, xã hội. Riêng hai huyện A Lưới, Nam Đông đã có 5.691 người hiện hưởng chính sách này.
Việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở chưa được phát huy một cách hiệu quả, đặc biệt ở khâu quản lý và sử dụng tại cộng đồng. Ý thức tự thoát nghèo, vươn lên làm giàu bằng chính bàn tay của đồng bào trong vùng DTTS có nơi còn chưa mạnh mẽ, thiếu quyết tâm. Ở một khía cạnh khác, nguồn nhân lực là DTTS chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới ở cơ sở.
Qua số liệu thống kê cán bộ, công chức, viên chức người DTTS của tỉnh chủ yếu là cán bộ quản lý, rất ít cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ, tập trung ở hai huyện Nam Đông và A Lưới. Mặt bằng chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp xã còn thấp.
Cụ thể, về trình độ văn hóa: THPT chiếm 66%, THCS chiếm 24%, tiểu học 10%; trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Sơ cấp chiếm 3,32%, trung cấp 5,4%, đại học chiếm 0,5%; trình độ quản lý nhà nước sơ cấp chiếm trên 3%, trung cấp chiếm trên 10%. Đó là những mặt tồn tại cần phải khắc phục trong thời gian tới tại Thừa Thiên - Huế...
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Quốc Việt (thực hiện)