Đổi thay ở Cư Pơng

Xã Cư Pơng, huyện Krông Búk là xã căn cứ cách mạng của tỉnh Đắk Lắk, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng ủy xã, Cư Pơng đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, xã hội, đời sống đồng bào không ngừng được nâng cao, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo.

Cà phê trở thành cây trồng làm giàu cho đồng bào.


Ông Y Kha Mlô, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pơng, khẳng định: Nếu trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Cư Pơng cùng nhau đoàn kết một lòng đi theo Đảng, đứng lên đánh đuổi kẻ thù, bảo vệ buôn làng, thì ngày nay đồng bào càng phát huy được tinh thần đoàn kết, quyết tâm đẩy lùi đói nghèo. Hơn 10 năm trở lại đây, Cư Pơng đã thực hiện tốt việc lồng ghép các chính sách, dự án Chính phủ để ưu tiên nguồn lực đầu tư, nhằm tạo điều kiện cho trên 2.100 hộ gia đình, với hơn 10.000 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Êđê, M’nông, Gia rai... ở 18 thôn, buôn, nhanh chóng chủ động đầu tư phát triển sản xuất, thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Hiện nay, Cư Pơng có trên 3.500 ha cà phê kinh doanh, hàng trăm ha cao su, hồ tiêu, cánh đồng gieo sạ lúa nước... mỗi năm đạt tổng giá trị sản xuất hàng trăm tỷ đồng. Theo báo cáo, trên 90% số hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên, trong đó có 20% thuộc diện giàu có (giàu có theo tiêu chuẩn ở đây là phải thu nhập từ 500 triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm, có nhà biệt thự, xe du lịch 4 - 7 chỗ ngồi...).

Đi đến đâu trong những ngày này, trên địa bàn Cư Pơng cũng bắt gặp các vườn cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, cây ăn quả... đang lên xanh mướt, nhà kho, sân phơi nhà nào cũng đầy ắp cà phê. Anh Y Huắt Êban, ở buôn A Drơng Lớn, cho biết: Được Đảng, Chính phủ cấp đất sản xuất, hướng dẫn chuyển đất nương rẫy gieo trồng lúa cạn năng suất thấp sang trồng cà phê, nên vườn cà phê 3,5 ha, niên vụ nào, gia đình anh cũng thu hoạch được từ 21 - 23 tấn cà phê nhân, doanh thu từ 800 - 900 triệu đồng, trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi của xã, của huyện.

Chung sức làm đường xây dựng nông thôn mới.


Cũng từ trồng cây cà phê, anh Ama Hậu cũng đã trở thành một trong những nông dân tiêu biểu sản xuất kinh doanh giỏi, mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí thu lãi từ 300 triệu đồng trở lên. Anh Ama Hậu nhẩm tính, nếu năm nay thời tiết thuận lợi, với 900 gốc tiêu (gần 1 ha) và hơn 4,5 ha cà phê, với thời giá như hiện nay, thì sau khi trừ các khoản chi phí cũng còn thu lãi từ 500 triệu trở lên, sẽ được gia nhập vào “câu lạc bộ” những người giàu có của xã...

Hiện nay, sản xuất dù trên đồng ruộng hay trên nương rẫy ở Cư Pơng không còn cảnh chọc lỗ tra hạt hoặc con trâu đi trước cái cày đi sau mà đã được cơ giới hóa. Bà con đi xe máy tay ga, xe số loại "xịn” hoặc ô tô ra cánh đồng. Khi thu hoạch, đồng bào đưa xe ô tô tải, hoặc xe máy cày vận chuyển hàng hóa, nông sản cà phê, cao su, hồ tiêu chạy bon bon trên các tuyến đường thôn, buôn được láng nhựa, trải cấp phối để về sân phơi, nhà kho. Nhà nào cũng được sử dụng điện lưới quốc gia. Ở Cư Pơng, hầu hết các cháu trong độ tuổi đều được đến trường và học ở các ngôi trường xây dựng khang trang, ốm đau, bệnh tật, đồng bào được các y, bác sĩ ở trạm y tế xã chăm sóc tận tình, chu đáo, các đội cồng chiêng ở các buôn làng cứ đến mùa lễ hội hay các dịp lễ, Tết đều mang ra trình diễn phục vụ cho cộng đồng...

Với bề dày truyền thống cách mạng, đồng bào Cư Pơng càng chung tay hăng say lao động sản xuất để Cư Pơng ngày càng hiện hữu, xứng danh là địa phương Anh hùng.


Bài và ảnh: Quang Huy

Kinh nghiệm từ xã nông thôn mới Chi Lăng
Kinh nghiệm từ xã nông thôn mới Chi Lăng

Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn có thêm niềm vui được UBND tỉnh Lạng Sơn trao quyết định đạt chuẩn nông thôn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN