Là một vùng căn cứ của cách mạng, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, huyện Kbang (Gia Lai) - quê hương Anh hùng Núp, đã đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Trong thời bình, huyện Kbang đang từng bước đi lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Nhà nước đã trao tặng.Từ một huyện nghèo của Gia Lai, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước qua các chương trình nhân đạo cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trên địa bàn, nền kinh tế của Kbang vốn được xem là huyện nghèo nhất tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực, được đánh giá là một trong những địa phương có tốc độ phát triển nhanh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống.
Nếu như thời điểm năm 1985, khi mới chia tách ra từ huyện An Khê, Kbang chỉ có trên 2.300 ha đất canh tác với độc canh cây lúa rẫy, nhưng đến nay đã có hơn 29.200 ha cây trồng các loại và nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê 2.780 ha, cây cao su hơn 1.000 hecta cùng diện tích lớn cây công nghiệp có giá trị cao như tiêu, quế, bời lời...
Đồng bào dân tộc Bahnar, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai phục dựng lễ đâm trâu mừng chiến thắng. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN |
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, đưa vào những cây có giá trị kinh tế cao như cây mắc ca, cây ca cao đang mở ra một hướng đi mời cho nền nông nghiệp nơi đây. Trước sự mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay trên toàn huyện đã hình thành được các vùng chuyên canh như mía, sắn, ngô, đậu đỗ các loại ở các xã Tờ Tung, Kon Lơng Khơng, Kon Bla, Đắk Hlơ; cà phê, hồ tiêu, quế, bông, cây ăn trái... ở các xã phía bắc như Sơn Lang, Krong, Sơ Pai, Đắk Roong.
Bên cạnh đó, Kbang chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, hiện toàn huyện có đàn gia súc hơn 49.276 con; trong đó bò 21.700 con, tỷ lệ lai chiếm 62,5%, lợn 22.200 con, còn lại là các loại gia súc khác như trâu, dê với hơn 12.000 con...
Cùng với việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện còn phát huy mọi nguyện lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông. Đến nay đã có trên 93,39% xã đã có điện lưới quốc gia, có đường ô-tô đến trung tâm xã.
Sự nghiệp trồng người được quan tâm, từ năm 1998 huyện đã được công nhận đơn vị đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ, đến nay toàn huyện có 50 trường học với gần 18 nghìn học sinh các cấp theo học.
Lĩnh vực y tế cũng được chú trọng, ngoài bệnh viện huyện, các xã đều có trạm y tế với đội ngũ cán bộ có hơn 112 người, trong đó có 21 bác sĩ đảm đương nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn huyện; tỷ lệ đói nghèo từ 87% xuống còn 40,26% (theo tiêu chí mới).
Sự vươn lên trong phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội còn được minh chứng tại các làng vùng sâu vùng xa của huyện. Xã Krong là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Gia Lai, từng hứng chịu nhiều bom đạn trong 2 cuộc kháng chiến ác liệt chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Đến nay, dấu tích của vùng đất cách mạng với những đau thương, mất mát đã lùi vào quá khứ, cuộc sống ở vùng căn cứ cách mạng xưa đang đổi thay từng ngày. Giờ đây K’Rong đã phủ một màu xanh tươi bạt ngàn của những vườn cà phê, ruộng lúa trải dài trên khắp vùng đất kiên cường, bất khuất này.
Từ sau ngày giải phóng, nhờ nhiều chính sách và sự đầu tư của Đảng và Nhà nước, đặc biệt các chương trình 134, 135... kết hợp với các chương trình khác trong nhiều năm qua, ở Krong hệ thống giao thông đã được đầu tư nâng cấp. Đồng thời, những hộ sống ở vùng hẻo lánh nhất ở các thôn, buôn cũng được nhà nước kéo điện về tận nơi; công trình thủy lợi, nước sạch được xây dựng và phát huy hiệu quả; trường học, trạm y tế phục vụ tốt nhu cầu của người dân, đón trẻ trong độ tuổi đến trường.
Cùng với sự hỗ trợ của chương trình 134, 167 toàn xã đã có 935 hộ nghèo được giúp đỡ phát triển kinh tế và xóa xong nhà tạm bợ, tranh tre nứa lá, đời sống của bà con được nâng lên rõ rệt. Số hộ nghèo trên địa bàn đã giảm mạnh. Đặc biệt, nhiều gia đình từ chỗ thiếu ăn nay đã giàu lên nhờ trồng trọt, chăn nuôi với mức thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Krong ông Đinh Ních chia sẻ: Với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước thông qua nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người nghèo, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số mà xã đã được tiếp cận nhiều phương pháp sản xuất tiên tiến. Nhờ đó cuộc sống của bà con đang dần được cải thiện, nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc, từ chỗ canh tác bằng phương thức lạc hậu, năng suất kém, đời sống đói nghèo nay đời sống của bà con đã sung túc hơn trước, hầu hết các hộ dân trên địa bàn xã đều đã có của ăn của để, không còn lo đói nghèo như trước đây.
Có thể nói, Kbang hôm nay đang thay da đổi thịt từng ngày. Mảnh đất giàu truyền thống cách mạng đang dần vươn lên khẳng định sự vững vàng, tự tin trong cách làm kinh tế của người dân nơi đây.
Quang Thái