Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào xã vùng cao Hồng Ngài, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La vẫn luôn tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương mới, đời sống từng bước có sự đổi thay.
Mảnh đất giàu truyền thống
Đã gần 80 tuổi, nhưng khi được hỏi về những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân các dân tộc nơi đây, ông Đinh Văn Ngọc, Trưởng bản Giàng (xã Hồng Ngài) vẫn đầy hào hứng kể: Đầu những năm 1950, thực dân Pháp thiết lập bộ máy cai trị đến tận các bản và xây dựng hệ thống đồn bốt ở các địa bàn trọng yếu. Mặc dù trong thế bị bao vây, lại thường xuyên bị địch càn quét, cướp phá, nhưng nhờ được giác ngộ, nhân dân các bản vẫn đoàn kết một lòng theo Đảng. Xã Hồng Ngài đã thành lập đội du kích ở bản Đung, gồm 16 chiến sỹ; trong đó ông Đinh Văn Tôn, nguyên mẫu nhân vật A Châu trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài, là Bí thư Chi bộ 99 và ông Sùng A Mua ở bản Suối Chặng là những đảng viên đầu tiên của xã. Đội du kích chuyển vào rừng làm lán trại, tích trữ lương thực, thực phẩm, chế tạo vũ khí, tiếp tế cho bộ đội đánh Pháp...
Trẻ em vui chơi ở sân vận động trung tâm xã. |
Từ đó phong trào đấu tranh của nhân dân phát triển mạnh, tạo ra tuyến giao thông bí mật, an toàn qua Hồng Ngài, nối liền với căn cứ kháng chiến ở các tỉnh Tây Bắc. Các cánh quân giải phóng khi qua đây được đồng bào che chở và bảo vệ. Đội du kích Hồng Ngài cùng quân và dân các dân tộc trong huyện kết hợp với bộ đội tổ chức đánh địch trên toàn địa bàn cho tới năm 1953, khi Bắc Yên được giải phóng. Kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, Hồng Ngài tiếp tục góp sức người, sức của vào kháng chiến chống đế quốc Mỹ...
Nỗ lực vươn lên
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân xã Hồng Ngài đã đoàn kết, chung sức, chung lòng đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi được bà con chọn trồng trên mảnh đất đã bị bom cày, đạn xới ngày nào. Ngoài cây lúa, ngô chủ lực, đồng bào còn trồng cây sắn và chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như trâu, bò, ngựa, dê...
Ông Giàng A Tủa, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Ngài, cho biết: Hồng Ngài là xã vùng II có diện tích đất tự nhiên gần 5.650 ha, chia thành 8 bản. Xã có 5 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 80%. Do địa hình phức tạp, nhiều núi cao hiểm trở, dân cư thưa thớt, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nên đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Được Đảng và Nhà nước quan tâm, các công trình phục vụ dân sinh như đường, trường học, trạm y tế đã được xây dựng. Chương trình 30a của Chính phủ cũng đã được thực hiện một cách hiệu quả, góp phần làm đổi thay bộ mặt của xã. Hiện nay, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng đã giảm, đời sống nhân dân ngày một nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 8 triệu đồng/người/năm.
Hồng Ngài hiện có 35 ha diện tích lúa nương ở 6 bản vùng cao, gần 1.400 ha ngô, hơn 100 ha sắn. Tổng đàn gia súc, gia cầm gần 10.000 con. Xã có hơn 70% số hộ đã có tivi, 4/8 số bản đã có công trình nước sinh hoạt tập trung. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phát triển mạnh. Công tác y tế chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được đảm bảo, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp hàng năm đạt 97%. Đặc biệt, một số máy móc phục vụ nông nghiệp như máy cày, máy xay xát... đã có mặt ở Hồng Ngài.
Biết phát huy truyền thống, sức mạnh của nhân dân cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đã giúp cho Hồng Ngài - quê hương của "Vợ chồng A Phủ" - từng bước thay da đổi thịt, kinh tế xã hội ngày càng đổi mới và phát triển, cuộc sống của người dân được nâng lên, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của vùng đất giàu truyền thống cách mạng.
Vùng đất giàu truyền thống cách mạng Hồng Ngài được nhiều người biết đến qua tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài. |
Bài và ảnh: Công Luật