Tuy không xảy ra thương vong về người, nhưng nhiều hộ gia đình đã "trắng tay", sống trong cảnh "màn trời chiếu đất" bởi nhà cửa, tài sản, đồ đạc đã bị cuốn trôi theo dòng nước lũ.
Cây cầu treo dân sinh ở bản Cà Là Pá đã bị lũ cuốn trôi, khiến cho nhiều hộ dân bị cô lập. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN |
Ngày 26/6, sau hành trình hơn 200 km bằng xe máy, vượt qua những điểm sạt lở, trơn trượt trên con đường nối Mường Nhé- Pắc Ma, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã tiếp cận được bản biên giới Cà Là Pá (xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Trận lũ xảy ra rạng sáng 25/6, Cà Là Pá là bản hứng chịu hậu quả nặng nề nhất so với 5 bản còn lại trên địa bàn xã. Toàn bản có 26 gia đình có nhà bị ngập lụt khi lũ dâng tràn đỉnh điểm, trong đó một hộ bị lũ cuốn trôi mất nhà.
Lũ dữ đi qua, bản Cà Là Pá tan hoang. Con đường đi xuống bản ngập bùn đất. Hai bên đường là những ngôi nhà chỉ còn trơ khung gỗ do thưng ván đã bị lũ cuốn trôi. Nhiều hộ bị lũ cuốn trôi đồ đạc, nông cụ lao động, quần áo và các loại giấy tờ quan trọng. Hàng chục bao thóc trong bản cũng bị nước lũ, bùn đất làm hỏng. Ngoài ra, nhiều diện tích lúa, hoa màu, ao nuôi cá của dân bản bị đất đá vùi lấp, tràn qua.
Anh Sùng A Sía, bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé là chủ của căn nhà gỗ bị nước lũ cuốn trôi cho biết: Bao năm qua, đây là trận lũ để lại hậu quả nặng nề nhất đối gia đình anh và cả bản. Từ đêm 24/6 đến sáng 25/6, mưa rất to. Vào khoảng 1 giờ ngày 25/6, cả gia đình anh thức giấc, vợ và các con di chuyển lên nhà khác cao hơn. Anh Sía chỉ kịp dắt chiếc xe máy lên đường phía trên bản rồi không dám trở lại nhà nữa vì dòng lũ đổ về nhanh và rất mạnh. Đến khoảng 4 giờ cùng ngày ngôi nhà của anh xoay ngang và bị giật, trôi đi.
Nhiều cây trồng bị lũ tàn phá. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN |
Anh Giàng A Vư, bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé cho biết: Lúc đó anh đang ngủ, nghe mọi người hô hoán và tiếng nước chảy, nhà đổ, anh tỉnh dậy gọi vợ và mẹ chạy ra khỏi nhà, chạy lên trên con đường dốc cao để tránh lũ. Anh cũng nhờ mọi người giúp chuyển thóc, đồ đạc nhưng chỉ giữ được mấy bao thóc. Số thóc không chuyển kịp và nhiều tài sản khác đều bị nước lũ cuốn đi hết.
Lũ dữ còn gây đứt gãy, cuốn phăng một cầu treo, làm cô lập hoàn toàn một bản bên kia suối. Những ngày qua, công tác khắc phục hậu quả thiên tai đã được chính quyền địa phương khẩn trương thực hiện.
Có mặt tại hiện trường, ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho biết: Từ ngày 23/6, toàn huyện đã bị ảnh hưởng do lũ và sạt lở, bản Cà Là Pá là khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất. Ngay sau khi nhận được thông tin, huyện đã tập trung lực lượng phối hợp với xã tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các hộ dân có nhà bị ngập, bị trôi di chuyển về địa điểm mới hoặc về ở tạm nhà người thân. Huyện cũng chỉ đạo việc hỗ trợ bánh, lương khô, quần áo cho một số hộ đã bị thiệt hại hoàn toàn về tài sản.
Nhiều vật nuôi, tàn sản bị lũ cuốn trôi, vùi lấp. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN |
Tính đến ngày 26/6, huyện Mường Nhé đã có gần 10 ngôi nhà bị cuốn trôi, hơn 50 ngôi nhà bị sạt lở, ngập lụt. Một số tuyến đường như Sen Thượng- Pắc Ma, quốc lộ 4H… xuất hiện nhiều diểm sạt lở, ngập lụt không thể lưu thông được. Nhiều diện tích ao cá bị cuốn trôi, nhiều gia súc bị đất đá vùi lấp. Nhiều cột điện đường dây trung áp, hạ áp bị gãy, đổ, sạt lở. Hai xã Sín Thầu, Chung Chải mất thông tin liên lạc…
Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho biết: Mưa lũ trên địa diễn biến hết sức phức tạp, lũ ống, lũ quét trên các sông suối và sạt lở đất có khả năng xảy ra cao. Huyện đã phân công các thành viên trong Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của huyện tiếp tục rà soát ở từng xã để rà soát về mức độ thiệt hại, có phương án hỗ trợ, ứng cứu kịp thời; đồng thời xác minh, đánh giá những địa điểm, vùng xung yếu có nguy cơ xảy ra sạt lở cao, lũ ống, lũ quét để tuyên truyền, vận động, kịp thời hỗ trợ và kiên quyết di dời người dân đến nơi an toàn.
Cầu ở bản Cà Là Pá bị trận lũ tàn phá. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN |
Để chủ động ứng phó với thiên tai, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành công điện, yêu cầu các sở, ngành, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng ứng cứu người, tài sản khi có thiên tai xảy ra; bố trí lực lượng và chuẩn bị các điều kiện để hỗ trợ, giúp đỡ, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm tại các khu vực bị ngập lụt, chia cắt; kiên quyết di dời các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở, ngập lụt, lũ ống, lũ quét...