Tại nhiều thôn bản trong tỉnh đã thành lập được tổ chuyên trách bảo vệ và phát triển rừng. Các tổ đi vào hoạt động đã phát huy được tinh thần chủ động trong công tác tuần tra, kiểm soát và bảo vệ rừng. Cũng qua đây, người dân đã gắn quyền lợi của bản thân mình vào rừng.
Đối với đồng bào dân tộc Mông ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, vụ cháy rừng vào thời điểm Tết Âm lịch năm 2010 là một ký ức không thể nào quên. Anh Sùng A Giảng, Phó trưởng bản Chu Va 12 nhớ lại, mùa khô hanh năm ấy, ngọn lửa bùng phát tại khu vực rừng Quốc gia Hoàng Liên. Vùng cháy rừng trông thấy tận mắt, nhưng phải đi mất nửa ngày mới đến nơi. Người dân cùng các lực lượng chức năng đã phải ăn ngủ trên rừng để dập lửa; có tối, mọi người phải nhịn đói vì lương thực không thể vào được đến nơi. Sau ba ngày đối mặt, lửa đã được dập tắt hoàn toàn...
Dọn thực bì khô để phòng cháy rừng. |
Chính từ vụ cháy rừng kinh hoàng đó, người dân bản Chu Va 12 đã dần ý thức được việc cần phải bảo vệ rừng. Bản Chu Va 12 có 96 hộ đều là dân tộc Mông. Năm 2012, sau vài lần họp, người dân trong bản đã thống nhất thành lập Tổ chuyên trách bảo vệ và phát triển rừng; trong tổ lại chia thành 5 nhóm để thay nhau canh gác rừng, cũng như xây dựng 2 chòi canh kiên cố để thường xuyên quan sát rừng. Anh Hàng A Tính chia sẻ: "Vào thời gian mùa khô, những ngày nắng nóng, dễ xảy ra cháy rừng, các tổ được chia ra theo tháng để trực. Bản thân tôi thời điểm này cũng đang trực rừng. Người nào trực đều phải đi rừng từ 5 giờ sáng để tới vị trí chòi canh, đến 7 giờ tối mới về nhà. Việc ăn uống hằng ngày đều phải mang cơm nắm, khoai sắn và nước đi". Chính nhờ phân công cụ thể công việc cho từng nhóm bảo vệ rừng của bản, mà 3 năm trở lại đây, khu vực bản Chu Va 12 không còn xảy ra cháy rừng.
Tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng. |
Hiện toàn huyện Tam Đường có trên 130 tổ chuyên trách bảo vệ và phát triển rừng như bản Chu Va 12; số diện tích rừng được nhận khoán bảo vệ là trên 31.000 ha. Để đạt hiệu quả cao, các tổ chuyên trách đều có quy chế hoạt động cụ thể. Trong đó, Tổ trưởng phải là Trưởng bản; các thành viên trong tổ là đại diện các hộ gia đình trong bản, mỗi hộ phải có 1 thành viên tham gia để bảo vệ diện tích rừng chung. Nhiệm vụ của tổ là tuyên truyền và vận động nhân dân trong bản ký kết thực hiện các quy định về bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy rừng và thực hiện các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; xây dựng kế hoạch tuần tra, phân công ứng trực 24/24 giờ trong thời gian cao điểm mùa hanh khô.... Đặc biệt, kinh phí duy trì hoạt động của tổ chuyên trách được trích từ số tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm của thôn bản; cụ thể số tiền chích tùy thuộc theo thống nhất của từng thôn bản. Chi phí ấy sẽ dùng để hỗ trợ cho các thành viên khi tham gia tuần tra, canh gác bảo vệ rừng, chữa cháy rừng, mua sắm dụng cụ cần thiết cho công tác quản lý bảo vệ rừng...
Ông Nguyễn Trọng Lịch, Giám đốc Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lai Châu cho biết, với trên 990 Tổ chuyên trách tại hầu hết các bản của tỉnh đã giảm rõ rệt các vụ cháy rừng. Năm 2015, tỉnh Lai Châu chỉ xảy ra 8 vụ cháy rừng, với diện tích khoảng 15 ha.