Đồng bào dân tộc sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới  

Nhờ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay, các xã trên địa bàn huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã có nhiều thay đổi.

 

Chú thích ảnh
Đồng bào dân tộc Mông ở bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, tạo cảnh quan môi trường nông thôn bằng việc đào hố rác tại nhà và đào hố thu gom nước thải. Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN

Đời sống kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, trật tự xã hội được giữ vững, cảnh quan - môi trường nông thôn được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Đó là kết quả thiết thực từ nhiều cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới của đồng bào các dân tộc huyện Mộc Châu, nhất là những tiêu chí khó như môi trường, đường giao thông nông thôn.   

Người Mông ở Tà Số thực hiện tốt tiêu chí môi trường   

Tà Số là một bản của xã Chiềng Hắc, với 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, người dân trong bản Tà Số đã có nhiều cánh làm hay, đặc biệt là thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường – một trong những tiêu chí được đánh giá khó thực hiện tại các bản vùng cao. Gia đình anh Mùa A Lu ở bản Tà Số là một trong những hộ tiên phong trong cải tạo nhà cửa, làm hàng rào quanh nhà. Mặc dù làm hàng rào quanh nhà bằng cách xếp đá tốn nhiều kinh phí và thời gian hơn so với việc xây tường nhưng anh vẫn lựa chọn. Thêm vào đó, anh còn cùng các thành viên trong gia đình trồng hoa dọc theo tường nhằm cải tạo cảnh quan thêm xanh - sạch - đẹp.

Anh Mùa A Lu chia sẻ, để tạo cảnh quan và môi trường nông thôn được đẹp, người dân trong bản đã làm tường bờ rào bằng cách xếp đá nhằm giữ bản sắc truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong hai năm qua, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân bản Tà Số tích cực đóng góp công sức, kinh phí để làm đường bê tông. Ngoài tuyến đường trục chính dài trên 6km từ bản đến trung tâm xã, các hộ trong bản Tà Số còn làm trên 50 tuyến nhánh nối vào từng hộ. Các tuyến đường đều do các tổ chức đoàn thể trong bản phụ trách và nhân dân thường xuyên quét dọn, phát quang cỏ dại.

Anh Mùa A Sửu ở bản Tà Số bộc bạch, trước đây, đường xá đi lại khó khăn, vất vả, kể cả ngay ở trung tâm bản thì bà con nhiều khi vẫn phải đi bộ chứ không đi được xe máy. Từ khi có đường giao thông nông thôn mới thì việc đi lại của bà con trong bản rất thuận tiện, đời sống của đồng bào cũng được nâng lên.   

Để đạt các tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, xã Chiềng Hắc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lồng ghép các nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới" với thực hiện quy ước bảo vệ môi trường nông thôn. Cùng với đó, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa; vận động các gia đình xây dựng công trình vệ sinh kiên cố, đào hố rác tại nhà và đào hố thu gom nước thải; làm chuồng nuôi nhốt gia súc xa nhà ở... Sau hai năm thực hiện tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường, nhận thức của người dân đã được nâng lên. Các phong tục, tập quán lạc hậu của bà con đồng bào dân tộc dần được xóa bỏ. 

Ông Vì Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Chiềng Hắc cho biết, để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác xuống các bản, từng nhóm liên gia tự quản hướng dẫn và cùng người dân chỉnh trang nhà cửa, đường bản, ngõ xóm; hướng dẫn người dân đào hố nước thải... Qua đó, các hộ dân đã dần dần thực hiện được việc chỉnh trang nhà cửa, cải thiện nếp sống của từng hộ gia đình. Các tiêu chí này không chỉ làm để xã đạt chuẩn nông thôn mới mà được tiến hành thường xuyên, liên tục để nâng cao ý thức, người dân được hưởng cuộc sống trong môi trường xanh, sạch...  

Sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương đã nâng cao nhận thức của người dân về giữ gìn, bảo vệ môi trường sống. Đến nay, bản Tà Số nói riêng, xã Chiềng Hắc nói chung đã có nhiều khởi sắc. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Chiềng Hắc đang nỗ lực, phấn đấu trong năm nay đạt chuẩn xã nông thôn mới.

“Kỳ tích” làm đường giao thông của người Dao ở Suối Khua    

Làm đường bê tông giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Sơn La, nhằm hoàn thiện hạ tầng nông thôn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ở các bản vùng cao, địa hình có nhiều đồi núi quanh co, dân cư thưa thớt, khoảng cách giữa các khu dân cư khá xa như Sơn La thì việc làm đường bê tông giao thông nông thôn gặp vô vàn gian nan, thử thách. Mỗi tuyến đường bê tông nơi rẻo cao ở Sơn La hình thành là một “kỳ tích” trong xây dựng nông thôn mới.

Một buổi sáng mùa thu, khi con đường dẫn vào bản Suối Khua, xã Nà Mường, vẫn còn chìm trong sương đã thấy nhộn nhịp tiếng người, tiếng máy làm đường giao thông nông thôn mới. Mỗi người một việc, từ đào đất, san đường đến vận chuyển xi măng, trộn bê tông. Để có đường bê tông đến bản sạch đẹp, nhân dân trong bản Suối Khua đã góp tiền của và ngày công lao động.  

Anh Bàn Văn Tuấn, Trưởng bản Suối Khua chia sẻ, năm 2019, bản đã đăng ký làm tuyến đường bê tông dài 1,8km. Với địa hình dốc, bản đã họp và thống nhất phân thành từng nhóm để mỗi ngày đều có người phục vụ máy đảo bê tông, vì thế đã thực hiện được 80m/ngày.     

Để làm được đường bê tông, ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước và nguồn kinh phí hỗ trợ theo cơ chế đặc thù của UBDN tỉnh Sơn La, nhân dân trong bản Suối Khua đã tích cực tham gia đóng góp công sức, tiền của. Là bản thuộc diện đặc biệt khó khăn, 60% số hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nên việc huy động nhân dân làm đường đã được cả bản và chính quyền địa phương tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng công trình.

Chú thích ảnh
Đồng bào dân tộc Dao ở bản Suối Khua, xã Nà Mường, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, đoàn kết, đồng lòng góp công sức, tiền của làm đường bê tông nông thôn sạch đẹp. Ảnh: Nguyễn Cường/ TTXVN

Ông Mùi Văn Sứ, Chủ tịch UBND xã Nà Mường thông tin, Suối Khua là bản khó khăn nhưng đã có sự sáng tạo trong làm đường giao thông nông thôn. Bản đã huy động sức dân, tức là hộ nào không có tiền đóng góp thì tính bằng ngày công lao động. Đến nay, tuyến đường ở Suối Khua đã làm đúng thời gian, tiêu chuẩn. Đây là một sự cố gắng rất lớn của nhân dân bản Suối Khua.  

Bản Suối Khua có hộ, với 300 nhân khẩu và 100% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống, cách trung tâm xã tầm 5km. Đường đến bản là đường đất lồi lõm, đèo dốc đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Do đó, mỗi người dân trong bản ai cũng ý thức có giao thông sẽ giúp đi lại thuận tiện, hàng hóa sản xuất ra được tiêu thụ, góp phần cải thiện đời sống, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhận thức rõ lợi ích của đường giao thông nên dù còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân trong bản đã đồng lòng phát huy nội lực xây dựng đường giao thông nông thôn. Với sức mạnh đoàn kết, đồng lòng người Dao bản Suối Khua đã đóng góp công sức, tiền của, hiến đất để con đường sạch đẹp ra đời và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đến nay, xã Nà Mường đã đạt 12/19 tiêu chí, với 37 chỉ tiêu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Riêng về tiêu chí đường giao thông nông thôn, toàn xã đã làm được gần 60 tuyến đường với tổng chiều dài trên 32km, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con vận chuyển nông sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương.

Nguyễn Cường – Đức Cường  (TTXVN)
Hậu Giang hướng đến người dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới
Hậu Giang hướng đến người dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới

Ngày 21/10, tại buổi khảo sát về tình hình triển khai chính sách đầu tư trong nông thôn mới tại Hậu Giang, ông Trần Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Hậu Giang cần tiếp tục thực hiện tốt xây dựng nông thôn mới; trong đó hướng đến người dân cùng tham gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN