Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai chủ trì hội nghị. Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương.
Báo cáo tại hội nghị nêu rõ: Việt Nam có 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với 13, triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước. Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc được ban hành trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi tuy có bước chuyển biến nhất định nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Đây là lần đầu tiên Đảng ta có nghị quyết riêng “về công tác dân tộc”, xác định quan điểm, mục tiêu, giải pháp cơ bản: Các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển, kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu chia rẽ dân tộc; vấn đề dân tộc có tính chiến lược, vừa mang tính lâu dài, vừa là vấn đề cấp bách trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các ngành, các cấp và của toàn bộ hệ thống chính trị, cần phải ưu tiên phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24 về công tác dân tộc, tình hình vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện, làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Sản xuất bước đầu đã phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng sản xuất hàng hóa. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn. Các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống được bảo tồn và phát huy. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố. An ninh, chính trị, trật tự - an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh hơn bình quân của cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Trong bối cảnh tình hình mới, để tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 24 về công tác dân tộc, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh: Cần chú trọng vấn đề phát triển bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, cùng phát triển, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, xây dựng nguồn nhân lực nói chung, đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số nói riêng là công việc cần được chú trọng hơn. Đặc biệt, cần phát huy hơn nữa trách nhiệm của các cấp ủy đảng, toàn hệ thống chính trị đối với công tác dân vận; động viên, khuyến khích người dân tham gia vào quá trình phát triển, khắc phục tư tưởng ỷ lại.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương cũng đề nghị các cấp, ngành tiếp tục quan tâm tới vấn đề bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách về công tác dân tộc theo hướng tích hợp, lồng ghép vào các nội dung liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, phương thức thực hiện chính sách cần được đổi mới để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ của đồng bào, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đồng bào các dân tộc thiểu số được tiếp cận các chính sách ưu tiên, ưu đãi. Về cơ chế đầu mối, cần thay đổi, đổi mới tổ chức, mô hình, bộ máy, điều phối giảm thiểu đầu mối về chính sách theo vùng, tập trung vào hoạt động của Ủy ban Dân tộc các cấp; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Theo Trưởng Ban Dân vận Trung ương, nội hàm của các giải pháp được đề xuất trong dự thảo Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24 về công tác dân tộc cần được làm rõ và chi tiết hơn để xem xét, bố trí nguồn lực thực hiện.
Đồng chí Trương Thị Mai cũng lưu ý tới tầm quan trọng của việc nghiên cứu tính đặc thù về kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi để đưa ra các chính sách, giải pháp phù hợp, gắn với cuộc sống của đồng bào; đặc biệt cần sớm ổn định cuộc sống và có chính sách về y tế, giáo dục cho đồng bào du canh, du cư; tăng cường đầu tư cho các xã biên giới…, góp phần cải thiện, phát triển, nâng cao cuộc sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giữ vững an ninh - quốc phòng, đảm bảo an ninh quốc gia, chủ quyền biên giới.