Theo dự thảo báo cáo, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai, thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi luôn được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các cấp, các ngành. Kết quả giảm nghèo nói chung và giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng đạt được nhiều thành tựu, được quốc tế ghi nhận, là điểm sáng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, tạo ra sự thay đổi diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đã tạo sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng, khoảng 25.000 công trình hạ tầng được đầu tư, xây dựng trên địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Cơ chế chính sách từng bước thay đổi về quan điểm, tư duy, từ cơ chế nặng về áp đặt chuyển sang cơ chế tự chủ, phân cấp cho địa phương trên cơ sở công khai, minh bạch trong công tác xây dựng và lập kế hoạch, bước đầu huy động sự tham gia của người dân ngay từ khâu xây dựng dự án đến tổ chức, triển khai thực hiện…
Tuy nhiên, dự thảo báo cáo nêu rõ, qua thực tế giám sát tại các địa phương cho thấy, kết quả giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi chưa thực sự bền vững; chất lượng giảm nghèo chưa cao. Một số vấn đề bức xúc chậm giải quyết như: Nhiều chương trình, dự án quy hoạch, xây dựng tập trung dân cư vùng dân tộc thiểu số, miền núi chưa được triển khai hoặc thực hiện dở dang. Vấn đề giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào người dân tộc thiểu số chưa được giải quyết triệt để. Đáng chú ý, các chỉ số mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo dân tộc thiểu số qua các năm giảm chậm; một số chỉ số thiếu hụt còn ở mức cao, nhất là các chỉ số thiếu hụt về chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở, nguồn nước sinh hoạt…
Phân tích về nguyên nhân của tình trạng này, dự thảo báo cáo chỉ rõ, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết diễn biến phức tạp... đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn thiếu phương tiện thoát nghèo bền vững như thiếu đất ở, thiếu phương tiện sản xuất, thiếu vốn sản xuất, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó, việc ban hành, rà soát tích hợp chính sách còn chậm, thiếu đồng bộ, nội dung chính sách còn bất cập, chính sách chưa gắn liền với ngân sách...
Dự thảo báo cáo được chuẩn bị công phu, chi tiết với nhiều số liệu, biểu mẫu có tính thuyết phục. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị, báo cáo cần làm rõ hơn các chỉ số tái nghèo, cận nghèo; bổ sung số liệu đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất; đánh giá thêm vấn đề đào tạo, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Nhiều đại biểu kiến nghị, để việc thực hiện chính sách, pháp luật về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, năng lực của cán bộ lãnh đạo, cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, tâm huyết, trách nhiệm, biết vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách về giảm nghèo bền vững của Đảng, Nhà nước.
Một số ý kiến đề xuất cần tăng cường phát huy nội lực của địa phương, cộng đồng, ý thức tự lực, tự cường của người nghèo trong công tác giảm nghèo bền vững. Có ý kiến đề nghị đánh giá việc tham gia ý kiến người dân, địa phương trong việc hoạch định chính sách, quy trình xây dựng chính sách; bổ sung các kiến nghị phù hợp với thực tế, đưa chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững thành một chương trình mục tiêu quốc gia chung về phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số…
Kết luận phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu rõ, các ý kiến sẽ được Đoàn Giám sát tiếp thu và có giải trình tại Phiên họp thứ tư của Đoàn Giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo thành báo cáo chính thức.