Xã trở thành cơ sở dẫn đầu về thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình của tỉnh Quảng Ngãi. Đó là khẳng định của anh Lê Vũ Lương, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Minh Long.
Con đường về Thanh Mâu giờ đây đã bê tông phẳng lì, chẳng dốc trơn, sỏi đá như cách đây mấy năm về trước. Trong tâm khảm của những người làm công tác dân số như anh Lương, nỗi vất vả, nhọc nhằn trong quá trình bám thôn, bám bản luôn thường trực. Anh kể, khi mới thành lập Ủy ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (5/1995), có biết bao nhiêu kỷ niệm, buồn có, vui có. Đường đi đến Thanh Mâu dài, có khi nửa ngày trời chưa đến nơi. Gặp đồng bào, vết mồ hôi chảy dài trên áo hòa với vệt máu vắt bu, cắn để lại…khiến ai cũng chạnh lòng. Nhưng rồi vì "sứ mệnh" chung mà cùng nhau cố gắng.
Anh Lương cho hay, đồng bào mình còn khổ, đói nghèo, kiếm miếng ăn đã khó nói gì đến chuyện khác. Quanh quẩn nơi góc nhà, chốn rẫy, cuộc sống túng quẫn đã "giam lỏng" người Hre trong sự lạc hậu, kém phát triển. Trong một thời gian dài, nơi đây nóng chuyện sinh con thứ ba.
Trước thực trạng đó, cán bộ Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện đã cơm đùm, gạo gói ngược xuôi, phân ra từng khu, từng nhà “cắm chốt” để quản lý, phân tích đối tượng và tuyên truyền họ hạn chế việc sinh con thứ ba. Cũng nhờ quyết tâm cao mà việc không sinh con thứ ba của đồng bào nơi đây đã có hồi kết viên mãn.
Qua truyên truyền, vận động, chính sách của Đảng, Nhà nước đã thấm vào lòng dân Thanh Mâu, giúp họ vươn lên phát triển kinh tế, tự rũ bỏ nghèo đói đã qua nhiều thế hệ. Các cặp vợ chồng trẻ cũng dần tiến bộ, chỉ dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt.
Chúng tôi ghé nhà chị Đinh Thị Xuân, 26 tuổi, kết hôn vào năm 2010, hiện chỉ mới có một con. Gia đình chị Xuân vừa có rẫy, vừa có ao cá, chuồng trại, kinh tế khá giả. “Giờ có cho mình đẻ tiếp mình cũng không đẻ đâu vì đẻ nhiều sẽ không đủ điều kiện cho con cái học hành, sẽ không thoát nghèo, thua kém bà con”- chị Xuân quả quyết.
Nhà chị Đinh Thị Mia ở gần đó, có cuộc sống tương đối no đủ vì chí thú làm ăn, nhận thức được hậu quả của việc sinh đông con. Chị khoe: “Đối với tôi, có hai con là đủ rồi. Hai con để dễ chăm sóc”.
Chị Đinh Thị Non, cộng tác viên dân số thôn Thanh Mâu chia sẻ: “Bước đầu chị em chưa tin tưởng khi dùng các biện pháp tránh thai cho nên mình phải tuyên truyền, tổ chức họp nhiều lần; kết hợp với hội phụ nữ đến tận nhà khuyên răn nên bây giờ ai nấy đều thực hiện tốt”.
Nhìn vào vạt keo xa xa, anh Lương cho chúng tôi biết, cây keo giúp cho đồng bào mình có cái ăn, cái để. Dư giả rồi thì nói gì dân cũng chịu nghe. Anh ví von keo cũng giống như một “cộng tác viên dân số” chính hiệu vậy, chỉ khác nhau ở chỗ tác động gián tiếp mà thôi.
Nhờ những hi sinh thầm lặng của những “chiến sĩ” trên mặt trận dân số mà nhiều xã đã “trắng” tình trạng sinh con thứ ba. Trong đó, Thanh Mâu đã trở thành điển hình của huyện, của tỉnh khi dẫn đầu 21 năm liên tiếp. Toàn huyện Minh Long có 16/43 thôn duy trì mức 4 năm trở lên và được Sở Y tế tặng Bằng khen trong công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình. Quả thật, đây là cách làm hay đáng được nhân rộng ra tất cả các huyện miền núi trong tỉnh.