Trước thềm Hội nghị Thi đua yêu nước lần thứ II, giai đoạn 2010 - 2015 của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), chúng tôi đã gặp anh Giàng A Chống, sinh năm 1976, dân tộc Mông, Phó giám đốc Phòng giao dịch huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái để được nghe kể về những nỗ lực đưa vốn đến với đồng bào vùng cao Tây Bắc.
Cán bộ cầm tay chỉ việcAnh Giàng A Chống vào công tác tại Phòng giao dịch huyện Trạm Tấu khi NHCSXH mới thành lập và mới nhận bàn giao dư nợ từ Ngân hàng Nông nghiệp và Kho bạc Nhà nước là 5,6 tỷ đồng, với số hộ có dư nợ chỉ là hơn 1.000 hộ, chiếm tỷ lệ 27% trên tổng số hộ toàn huyện. Khi nhận bàn giao hoạt động NHCSXH còn rất khó khăn: Cơ sở vật chất thiếu thốn, nợ xấu chiếm tỷ lệ 7,2%, lãi tồn đọng lớn, việc nộp lãi và trả nợ của hộ vay chưa vào nề nếp, nhu cầu vay vốn của người dân là rất lớn xong chưa được đáp ứng...
Gia đình chị Lò Thị Hiển (Phù Nham, Văn Chấn, Yên Bái) vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách đầu tư chuồng trại chăn nuôi lợn cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Việt – TTXVN |
Là người sinh ra và lớn lên ở huyện, anh Giàng A Chống hiểu những khó khăn, nghèo đói của đồng bào dân tộc, đặc biệt người dân chưa biết tiếp cận nguồn vốn vay và làm thế nào để sử dụng nguồn vốn sao cho có hiệu quả. Anh đã cùng với cán bộ tín dụng Phòng giao dịch thường xuyên bám bản, bám dân; phát huy lợi thế biết nói tiếng đồng bào dân tộc để làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn nghiệp vụ cho vay của NHCSXH đến dân bản; đồng thời tham mưu cho Ban lãnh đạo Phòng giao dịch trong việc triển khai cho vay và nhiều giải pháp tích cực để không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đồng bào được vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập, xóa đói nghèo.
Các giải pháp Phòng giao dịch huyện Trạm Tấu chú trọng là quan tâm đến việc cho vay đúng đối tượng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Chỉ có sử dụng vốn hiệu quả thì người vay mới có thể thoát nghèo và trả nợ, trả lãi đúng hạn. Phòng giao dịch đã phối hợp với các hội đoàn thể làm ủy thác, UBND các xã bám sát các chương trình phát triển kinh tế của huyện để đầu tư vốn cho đồng bào, thường xuyên kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay và giúp đỡ hộ sử dụng vốn sao cho có hiệu quả cao nhất.
Công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi được đẩy mạnh để bà con dân bản mạnh dạn vay vốn; giúp họ hiểu biết về quyền và nghĩa vụ khi vay vốn để họ quản lý tốt nguồn vốn vay và sử dụng vào sản xuất. Do đối tượng vay vốn chủ yếu là người dân tộc thiểu số nghèo nên việc tuyên truyền phải sử dụng tiếng của đồng bào bản địa. Việc tuyên truyền được thực hiện trực tiếp cả trước, trong và sau khi vay vốn. Ngoài ra cán bộ NHCSXH còn phát các tờ rơi, phối hợp với các ngành tuyên truyền cho người dân để từ bỏ bớt các hủ tục như mổ trâu, mổ bò và nhiều gia súc khác khi có đình đám dẫn đến thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến đối tượng đầu tư, hiệu quả vốn vay.
Nhận thức tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) là cánh tay nối dài, là cầu nối giữa NHCSXH và bà con đồng bào nên trong những năm qua, Phòng giao dịch thường xuyên củng cố hoạt động của tổ TK&VV, tăng cường hướng dẫn cho tổ TK&VV, đặc biệt là khâu bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng, giúp đỡ bà con trong việc sử dụng vốn vay; việc hướng dẫn chủ yếu là theo phương pháp “Cầm tay chỉ việc”. Bên cạnh đó, Phòng giao dịch cũng tăng cường công tác kiểm tra, đối chiếu dư nợ vay để kịp thời phát hiện những sai sót, lệch lạc; đề nghị UBND xã, trưởng bản, hội đoàn thể kiên quyết đôn đốc thu hồi nợ với những người vay thiếu ý thức trả nợ.
Phòng giao dịch thực hiện tốt việc giao dịch tại xã, công khai chính sách và kết quả cho vay tại trụ sở UBND xã. Mặc dù điều kiện đi lại rất khó khăn, nhiều xã không đi được ô tô, có xã cách trung tâm huyện đến 70 km, nhưng vẫn đảm bảo giao dịch đúng ngày, giờ theo lịch cố định.
Vốn chính sách phủ khắp các thôn bảnCùng với chỉ đạo của NHCSXH Việt Nam, chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái và sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Trạm Tấu, đến nay Phòng giao dịch NHCSXH huyện Trạm Tấu đã có kết quả hoạt động khá tốt: Tổng dư nợ đạt gần 100 tỷ đồng, tăng 17 lần so với khi mới thành lập với 4.350 hộ dư nợ, chiếm hơn 80% số hộ trên địa bàn, tăng 53% so với khi thành lập; nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,2% trên tổng dư nợ, giảm 7% so với năm 2003; vốn tín dụng đã phủ khắp các thôn bản, cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần vào xóa đói giảm nghèo, nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân từ 4% đến 5%/năm, số hộ phải nhận gạo cứu đói đã giảm đi rất nhiều, tỷ lệ học sinh học hết cấp 3 tiếp tục theo học chuyên nghiệp đã tăng lên rõ rệt.
Hoạt động NHCSXH được đồng bào trên vùng cao Trạm Tấu đón nhận, NHCSXH đã thực sự trở thành người bạn gần gũi, đồng hành, chia sẻ với cuộc sống của đồng bào. Nói như người Mông là “Ưng cái bụng mình lắm rồi”.