Đồng Nai quyết tâm xóa bãi rác tạm

Cùng với tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa như hiện nay, lượng chất thải tại tỉnh Đồng Nai ngày càng tăng nhanh. Tuy nhiên, tỷ lệ chất thải được xử lý hợp vệ sinh còn thấp (khoảng 46%), nhiều bãi rác tạm không phù hợp với quy hoạch vẫn tồn tại đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Để giải quyết hiện trạng này, tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch xóa các bãi rác tạm và sớm đưa vào sử dụng các dự án xử lý chất thải theo quy hoạch.


Giải tỏa từng bước


Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, tại tỉnh còn 29 bãi rác tạm chưa được xử lý với tổng diện tích mặt bằng của các bãi rác tạm khoảng gần 170.000 m2. Tất cả các bãi rác tạm đang tồn tại theo kiểu bãi hở, không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch và cần được xử lý giải tỏa. Trong thời gian qua, biện pháp xử lý rác thải chủ yếu là các địa phương giao cho các hợp tác xã, các đội thu gom rác thu gom, vận chuyển tập trung rác về các khu xử lý hợp vệ sinh theo quy định.


Bãi rác tạm ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai). Ảnh: H.Giang

 

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, thành phần chất thải tại các bãi rác tạm tương đối đa dạng, phức tạp, chứa nhiều tạp chất ngoài rác thải sinh hoạt. Quá trình hình thành các bãi rác tạm đã trải qua nhiều năm, được dùng chủ yếu làm nơi đổ rác và chỉ xử lý rác sơ bộ theo dạng chôn lấp nhưng chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh, an toàn theo quy định về xây dựng và môi trường. Vì vậy, các bãi rác tạm trên có tác động xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Việc xử lý triệt để các bãi rác tạm không chỉ giải quyết được các vấn đề trên mà còn góp phần trả lại mặt bằng, phục vụ cho việc sử dụng đất đúng mục đích của địa phương theo quy hoạch.


Việc giải tỏa, xóa các bãi rác tạm không phù hợp quy hoạch, không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường sẽ được Đồng Nai triển khai từng bước. Trước mắt, để xử lý các bãi rác tạm, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai kết hợp việc xử lý rác tồn lưu với khả năng cải tạo, chuyển đổi công năng bãi rác tạm thành điểm trung chuyển để đưa rác về các khu xử lý theo đúng quy hoạch. Đơn cử như ở huyện Thống Nhất hiện có 5 bãi rác tạm với diện tích khoảng 15.000 m2 gồm: Xuân Thiện 1, Gia Tân 1, Gia Tân 2, Gia Kiệm và Bàu Hàm 2. Toàn bộ chất thải tại các bãi rác này sẽ được chuyển về Khu xử lý chất thải Quang Trung để xử lý. Theo dự kiến, các bãi rác tạm tại TP Biên Hòa và 4 huyện Tân Phú, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và Thống Nhất sẽ hoàn thành xử lý giải tỏa trong năm 2013.


Đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý chất thải


Việc giải tỏa các bãi rác tạm và triển khai đúng tiến độ các dự án xử lý chất thải được xem là giải pháp căn cơ và đáp ứng tốt nhất nhu cầu xử lý chất thải ngày càng gia tăng trên địa bàn. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, bên cạnh việc “xóa sổ” các bãi rác tạm, tỉnh còn đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa vào vận hành các khu xử lý chất thải theo đúng quy hoạch, phát triển mạng lưới thu gom rác hợp vệ sinh.


Hiện tại, 9 khu xử lý chất thải theo quy hoạch đã thu hút được 13 dự án đầu tư, trong đó, một số dự án có quy mô khá lớn và đang được triển khai ráo riết. Điển hình là Khu xử lý chất thải Quang Trung do Công ty CP Dịch vụ Sonadezi (SDV) đầu tư tại xã Quang Trung, huyện Thống Nhất. Đây là một trong những dự án đang được kỳ vọng là “điểm nhấn” trong công tác xử lý chất thải tại Đồng Nai. Bên cạnh việc góp phần xử lý lượng chất thải đang gia tăng nhanh chóng trên địa bàn tỉnh nói chung, Khu xử lý chất thải Quang Trung sẽ giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm do các bãi rác tạm trên địa bàn huyện. Hiện nay, Công ty SDV đang chuẩn bị hoàn tất xây dựng giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng các hạng mục công trình xử lý như: Ô chôn lấp chất thải sinh hoạt 5.000 m2, lượng rác chứa khoảng 25.000 tấn, thiết kế theo TCVN 261:2001; 1 lò đốt công suất 200 kg/giờ; Kho tiếp nhận và lưu giữ chất thải 3.000 m2; Trạm cân và trạm xử lý nước thải.


Theo thống kê, huyện Thống Nhất có khoảng 30 tấn rác sinh hoạt phát sinh hàng ngày được xử lý bằng phương pháp đốt thủ công trong mùa nắng. Nước rỉ tại các bãi rác tạm gây ô nhiễm và phát tán vào mùa mưa, gây ô nhiễm đến nguồn nước mặt, nước ngầm. Vì vậy, từ khi Khu xử lý chất thải Quang Trung bắt đầu tiếp nhận rác thải đã giải quyết được công tác xử lý rác thải sinh hoạt, đẩy nhanh quá trình xóa các bãi rác tạm tại Thống Nhất, góp phần cải thiện và làm cho môi trường tại địa phương ngày càng tốt hơn.


Bên cạnh khu xử lý chất thải Quang Trung, một số dự án khác như khu xử lý chất thải Liên Kim Sơn, khu xử lý Tây Hòa... cũng đang trong quá trình hoàn tất và bắt đầu tiếp nhận chất thải. Thực tế này đang tạo nên những cơ sở vững chắc cho quyết tâm “xóa sổ” triệt để các bãi rác tạm của tỉnh Đồng Nai.


 

Với tổng diện tích 130 ha, khu xử lý chất thải Quang Trung được đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng phục vụ cho công tác xử lý chất thải. Các hạng mục chính gồm: Trạm tái chế chất thải làm phân compost công suất 200 tấn/ngày; 3 lò đốt chất thải; trạm xử lý hóa lý chất thải lỏng; trạm xử lý hóa rắn chất thải; trạm thu hồi kim loại từ chất thải công suất 10 tấn/ngày; bãi chôn lấp chất thải thông thường (sinh hoạt và công nghiệp không nguy hại), công suất bình quân 40 tấn/ngày, được thiết kế và vận hành theo tiêu chuẩn TCXDVN 261:2001; bãi chôn lấp an toàn công suất 20 tấn/ngày, thiết kế và vận hành theo tiêu chuẩn TCXDVN 320: 2004.

 

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN