Đồng Nai trước bài toán phát triển hạ tầng

Hơn 20 năm sau ngày mở cửa đón những nhà đầu tư đầu tiên, tỉnh Đồng Nai hiện đang trong nằm trong Top những địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển công nghiệp, đóng góp ngân sách… Tuy nhiên, Đồng Nai đang đứng trước một bài toán lớn, cần sớm có lời giải để tránh những hệ lụy từ sự mất cân bằng giữa tốc độ phát triển kinh tế nhanh trong khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật quá tải, chưa đáp ứng được nhu cầu của địa phương.

 

Một góc KCN Biên Hòa 1 (Đồng Nai). Ảnh: Tràng Dương - TTXVN

 

Hiện nay, trong 63 tỉnh, thành cả nước, Đồng Nai đứng thứ 6 về thu ngân sách, thứ 5 về nộp ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, sự phát triển về cơ sở hạ tầng kỹ thuật lại chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cũng như mức độ đóng góp của tỉnh Đồng Nai.

 

“Chiếc áo đã quá chật”

Được biết, trong những năm qua, mặc dù tỉnh đã tập trung nguồn vốn đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước xử lý chất thải,…) nhưng do diện tích lớn, dân số đông, nhu cầu nhiều trong khi nguồn vốn hạn chế nên cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Đồng Nai hiện đều bị quá tải và chưa thể đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.


Mất cân đối giữa nhu cầu phát triển và cơ sở hạ tầng hay nói cách khác, tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội là kết cấu hạ tầng không đi trước một bước, thậm chí không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội sẽ khiến tỉnh Đồng Nai gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư, thu ngân sách, đảm bảo an sinh xã hội và mức sống người dân. Là tỉnh có dân số đông, dân số cơ học tăng nhanh (tăng bình quân hàng năm khoảng 2% tổng dân số cả tỉnh, chủ yếu là ở các địa bàn TP Biên Hòa, Long Thành, Trảng Bom), dân số năm 2012 của Đồng Nai khoảng 2,7 triệu người và dự báo đến năm 2015 khoảng 3 triệu, đứng thứ 5 cả nước (sau TP.HCM, Hà Nội, Thanh Hóa, An Nghệ). Do vậy, nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, quốc phòng an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là các lĩnh vực thiết yếu như: y tế, giáo dục, văn hóa là rất lớn… Trong khi đó, cơ sở hạ tầng hiện có của Đồng Nai như chiếc áo đã quá chật, còn kiểu dáng thì không theo kịp sự phát triển. Đặc biệt là ở TP Biên Hòa, người dân đã bắt đầu thấy bức bối, chật chội, thể hiện ở chỗ kẹt xe, nóng bức vì cây xanh không đủ, cảnh quan cũng thiếu thốn. Từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, mới chỉ mở được một vài con đường mới.


Tuy nhiên, việc huy động vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế để đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội còn nhiều khó khăn do nguồn lực của doanh nghiệp trong nước hạn chế, các dự án có thời gian thu hồi vốn quá dài, do vậy nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực trên chủ yếu đầu tư từ nguồn vốn ngân sách. Theo UBND tỉnh Đồng Nai: “Tuy là tỉnh tự cân đối ngân sách và đóng ngân sách về Trung ương, nhưng thời gian qua, phần vốn ngân sách điều tiết về Trung ương là quá cao (thu từ lĩnh vực xuất nhập khẩu nộp 100%, thu nội địa nộp 49%) nên vốn ngân sách được cân đối cho địa phương không đáp ứng được yêu cầu đầu tư cho các dự án trọng điểm có tính đột phá và các dự án an sinh xã hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để giải quyết tốt áp lực này, ngoài sự chủ động của địa phương cần phải có sự chia sẻ từ Trung ương thông qua việc giải quyết tỷ lệ điều tiết để tái đầu tư, bồi dưỡng nguồn thu. Sự bất cập về cơ sở hạ tầng và cơ sở hạ tầng xã hội nêu trên nếu không có nguồn lực tài chính để giải quyết kịp thời thì thời gian tới tỉnh Đồng Nai sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.


Và những kiến nghị với Trung ương


Một trong những nhiệm vụ chủ yếu mang tính đột phá giai đoạn 2011 - 2020 mà Đồng Nai quyết tâm thực hiện là tăng cường đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội mà tập trung là các dự án giao thông kết nối các dự án phát triển cảng biển, cảng hàng không và các dự án đảm bảo an sinh xã hội nhằm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Vì vậy, tỉnh Đồng Nai đã tập trung tìm kiếm nguồn vốn cho các dự án trọng điểm, giải quyết nhu cầu cấp bách về hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để tăng thêm nguồn lực đầu tư hạ tầng, giải quyết các công trình an sinh xã hội, tái đầu tư để bồi dưỡng nguồn thu, tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị với Trung ương một số giải pháp. Theo đó, Đồng Nai kiến nghị Trung ương xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách nguồn thu nội địa dành cho Đồng Nai từ 51% lên ít nhất 70% để đảm bảo mức cân đối ngân sách trung bình so với các địa phương khác. Đồng thời, để lại địa phương ít nhất 20% nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu hoặc cho tỉnh Đồng Nai được để lại 100% số thu vượt thuế xuất nhập khẩu để đầu tư các công trình hạ tầng cấp bách trong tỉnh.


Theo UBND tỉnh Đồng Nai, qua so sánh dự toán thu, chi ngân sách cả nước do Bộ Tài chính công bố năm 2013 thì cân đối ngân sách dành cho tỉnh Đồng Nai là không hợp lý so với một số địa phương có đóng góp cho ngân sách Trung ương. Theo đó, tỉnh Đồng Nai, dự toán thu 30.694 tỷ đồng, sau khi điều tiết về ngân sách Trung ương, cân đối ngân sách dành cho Đồng Nai là 9.993 tỷ đồng (bao gồm 301 tỷ đồng bổ sung có mục tiêu từ ngân sách từ Trung ương). Với dân số 2.937.533 người thì mức chi ngân sách bình quân là 3.402.161 đồng/người. Như vậy, cân đối ngân sách cho tỉnh Đồng Nai là quá thấp, chỉ tương đương từ 34,63% đến 74,08% so với các địa phương có điều tiết về ngân sách Trung ương. Mặt khác, nếu so sánh với các địa phương được Trung ương cấp bù ngân sách thì Đồng Nai cũng ở mức thấp so với nhiều địa phương.


Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng kiến nghị đối với Chính phủ về việc tăng mức dư nợ vay vốn đầu tư xây dựng. Hiện nay, sự phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đang diễn ra nhanh, phát sinh nhu cầu rất lớn cho việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kết nối trong khi Đồng Nai hiện thiếu nguồn lực để thực hiện. Vì vậy, Đồng Nai đã kiến nghị Chính phủ cho phép Đồng Nai được tăng mức dư nợ vay vốn đầu tư xây dựng từ mức 30% như hiện nay lên mức 60% tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách tỉnh theo dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định hàng năm trong giai đoạn 2014 - 2020 để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng.

 

UBND tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị với Trung ương một số vấn đề liên quan đến việc đầu tư các công trình hạ tầng mang tính liên vùng. Theo đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chiếm 9,2% diện tích, 20,3% dân số cả nước nhưng đóng góp ,7% thu ngân sách của cả nước. Tuy nhiên trong những năm qua, mức độ đầu tư hạ tầng cho vùng chưa tương xứng, hệ thống cơ sở hạ tầng cho vùng hiện đang quá tải nên đã ảnh hưởng đến tốc độ phát triển trước mắt và lâu dài. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ tăng cường đầu tư các công trình hạ tầng mang tính liên vùng tạo điều kiện phát triển kinh tế, từ đó có đóng góp cao hơn cho ngân sách Trung ương. Trong đó, đối với Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành, kiến nghị Trung ương cấp ngân sách cho tỉnh Đồng Nai trong năm 2014 là 470 tỷ đồng để chi cho công tác lập hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng 2 khu tái định cư và xây dựng nghĩa trang để phục vụ di dời các ngôi mộ trong khu vực bị giải tỏa làm sân bay; cấp ngân sách trong năm 2015 là 6.2 tỷ đồng để xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (2.500 tỷ đồng) và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 (4.182 tỷ đồng).

 

PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN