Đồng NDT – vị thế mới không tác động nhiều tới kinh tế Việt Nam

Giới phân tích đều cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng rất ít, hầu như không đáng kể trước việc đồng NDT vừa được Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) công nhận là một trong 5 đồng tiền dự trữ chính thức.

Các đồng USD, euro, nhân dân tệ và yên Nhật. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trong một diễn biến khi nhiều người quan ngại về khả năng tác động xấu tới thị trường tiền tệ của Việt Nam do đồng nhân dân tệ (NDT) vừa được Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) công nhận là một trong 5 đồng tiền dự trữ chính thức và có quyền rút vốn đặc biệt như đô la Mỹ (USD), đồng tiền chung châu Âu (EUR), bảng Anh (GBP) và yên Nhật (JPY), thì quan điểm chung của giới phân tích đều cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng rất ít, hầu như không đáng kể, thậm chí phải mất ít nhất 6 tháng tới 1 năm nữa mới thấy rõ được tác động dây chuyền này.

Theo Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng, đây là vấn đề giá trị đồng tiền và dự trữ của các quốc gia lớn. Lâu nay, Việt Nam chủ yếu chỉ có hai luồng tiền tệ chính thức là USD và EUR. Việc buôn bán, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện cũng chỉ thông qua cả 2 đường là tiểu ngạch và chính ngạch, đồng thời sử dụng đồng USD là chủ yếu. Do đó, khi đồng NDT được xếp vào nhóm những đồng tiền dự trữ chính thức của IMF thì khả năng một số doanh nghiệp Việt Nam sẽ mạnh dạn hơn khi sử dụng trực tiếp đồng NDT trong giao dịch.
Xét về góc độ nào đó, điều này còn có lợi cho vấn đề ngoại thương giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc được tốt hơn, thay vì việc sử dụng đồng tiền trung gian là USD như hiện nay. Tuy nhiên, đối với Việt Nam thì đồng USD vẫn còn đóng vai trò rất quan trọng trong vài năm tới.

Cũng theo Chuyên gia Đinh Thế Hiển, chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều khi đồng NDT được đưa vào rổ dự trữ tiền tệ thế giới. Bởi lẽ, chính sách tiền tệ của Việt Nam chưa có dư địa đủ lớn để chọn rổ tiền tệ dự trữ như các nước lớn. Cho dù, gần đây Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động ngoại thương với Nga và Trung Quốc bằng cách sử dụng trực tiếp đồng tiền bản địa của hai nước này. Với dân số gần 1,4 tỷ người, Trung Quốc, hiện là một thị trường lớn và tiềm năng đối với nhiều quốc gia trên thế giới; trong đó có Việt Nam. Đặc biệt là trong những năm gần đây, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều vào thị trường này, nhất là một số mặt hàng nông sản như cao su, gạo, thủy sản, trái cây…

Cùng có chung quan điểm, Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đồng tình về những thuận lợi đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi có thể chủ động hơn trong các hoạt động thanh toán, giao dịch thương mại với phía đối tác Trung Quốc. Nhất là khi đồng NDT đủ điều kiện và được công nhận có quyền hoán đổi tự do cũng như thanh toán rộng rãi trên thế giới. Từ nay, các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các tổ chức kinh tế có quan hệ mậu dịch với Trung Quốc sẽ không cần phải thông qua đồng tiền thứ 3 là đồng USD và đương nhiên sẽ không còn nhiều quan ngại về tác động của sự thay đổi tỷ giá.
Mặc dù vậy, Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ Việt Nam, cũng như việc thực hiện cam kết giữ ổn định tỷ giá mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra nếu đồng NDT tiếp tục bị mất giá, trong một nỗ lực mà Trung Quốc đang theo đuổi, nhằm đưa đồng NDT vào quỹ đạo chung của các đồng tiền có quyền hoán đổi tự do trong rổ tiền tệ thế giới mà IMF quy định.

Tuy nhiên, bình luận về khả năng giữ ổn định tỷ giá từ nay tới cuối năm và sang nửa đầu năm 2016 như Ngân hàng Nhà nước đã cam kết, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, xu hướng phá giá đồng NDT đã được ngành ngân hàng tiên lượng và dự báo, nên đã có sự phòng vệ thích hợp trong mọi tình huống.

Bà Hạnh cũng nhấn mạnh, đồng NDT - khi được chấp thuận đưa vào rổ tiền tệ quốc tế của IMF cũng phải có độ trễ nhất định mới ảnh hưởng tới thị trường tiền tệ Việt Nam. Chắc chắn, phía Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện đúng cam kết về việc giữ ổn định tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng USD.


Về phía các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đa phần trong số họ đều là các doanh nghiệp tư nhân nên sự chủ động của họ thường rất cao. Thậm chí, họ có cả những đơn vị tư vấn tài chính để giúp việc và đưa ra những khuyến cáo, cảnh báo cần thiết. Trong quá trình kinh doanh, các doanh nghiệp này cũng đã thận trọng hơn trong việc sử dụng các phương thức thanh toán hữu hiệu, ít rủi ro và hướng tới các chuẩn mực thanh toán mới của thế giới, như yêu cầu đối tác thanh toán trước 1 phần hoặc sử dụng các công cụ và sản phẩm phái sinh của ngân hàng như bảo lãnh hợp đồng, cam kết hợp đồng để đảm bảo ổn định tỷ giá… Do đó, khả năng tác động tới thị trường, tới doanh nghiệp là không đáng ngại, bà Hạnh nhận định.

Từ thực tiễn của doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cho rằng, việc đồng NDT được IMF đưa vào rổ dự trữ tiền tệ thế giới không ảnh hưởng đến vấn đề xuất khẩu của doanh nghiệp.

Ông Thuận lý giải, trong buôn bán với Trung Quốc, doanh nghiệp thường sử dụng cả 2 loại tiền tệ là đồng USD và NDT. Tuy nhiên, trước khi quyết định phương thức thanh toán với đối tác Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ căn cứ vào giá cả của 2 loại đồng tiền này, xem đồng tiền nào có lợi hơn thì mới lựa chọn đồng tiền đó để giao dịch, kể cả tiểu ngạch và chính ngạch. Trong bối cảnh đó, các nhà xuất khẩu cao su Việt Nam, gồm cả Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam sẽ nghiên cứu việc sử dụng đồng tiền nào có lợi để ký kết hợp đồng dài hạn với các đối tác Trung Quốc trong năm 2016.

Thạch Huê – Hứa Chung (TTXVN)
Đồng NDT Trung Quốc được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế
Đồng NDT Trung Quốc được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế

Ngày 30/11, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đủ điều điều kiện để đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế, còn được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN