Trung tá Jenns Robertson, 45 tuổi, đã dành suốt 6 năm qua để thực hiện một dự án lịch sử kỳ lạ nhất trong thời hiện đại: Thu thập dữ liệu về từng quả bom mà quân đội Mỹ đã thả ra từ Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Bom được thả từ máy bay không quân Mỹ. Ảnh: Internet |
Dự án mang tên THOR (Theater History of Operations Reports, tạm dịch: Báo cáo lịch sử hoạt động chiến trường) cho phép mọi người dùng máy tính để tìm đến hầu như mọi địa điểm trên Trái Đất và có thể biết gần như ngay lập tức thời gian, địa điểm Mỹ thả bom trong thế kỷ qua.
Phát biểu với tờ Boston Globe, ông Robertson nói rằng dự án này rất có ích trong thực tế. Nó đang được Mỹ và các nước khác sử dụng để cứu người. Ở những nơi như Đức, Việt Nam và Iraq, dữ liệu đang được kiểm tra để xác định vị trí nơi vẫn còn bom mìn chưa phát nổ.
Ông Robertson đang làm việc tại căn cứ không quân Maxwell và dành toàn bộ thời gian vào dự án, lung sục hàng ngàn tài liệu phục vụ dự án. Chỉ trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai, ông Robertson đã xem qua 10.000 trang tài liệu cả viết tay và đánh máy về bom mìn.
Đối với cuộc chiến tranh ở Việt Nam, ông Robertson đã kiểm tra hồ sơ về bom mìn từ tháng 10/1965 đến tháng 5/1975, theo đó ít nhất 456.365 quả bom chùm đã được thả xuống Campuchia, Lào và Việt Nam. Do toàn bộ số bom trên chưa nổ hết nên chính phủ ba nước này đang phối hợp với Mỹ để kiểm tra dữ liệu nhằm tránh thương vong cho dân thường.
Ông Robertson vẫn đang rà soát hơn 1 triệu hồ sơ bom mìn từ cuộc chiến ở Việt Nam.
Ngoài ra, ông còn làm dữ liệu bom mìn về các cuộc chiến đang diễn ra như ở Afghanistan và Iraq.
Ông Chris McDermott, một nhà lịch sử, nhận định rằng dữ liệu bom mìn của ông Robertson còn có nhiều thông tin hữu ích với công việc nghiên cứu, tìm tù binh và binh lính mất tích trong chiến tranh.
Thùy Dương