Việc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng hành quyết con tin thứ hai người Nhật Bản đã tiếp tục dấy lên sự phẫn nộ và phản đối mạnh mẽ trong dư luận Nhật Bản và quốc tế.
Ngày 1/2, Chính phủ Nhật Bản đã triệu tập cuộc họp nội các và Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) tại Văn phòng Thủ tướng.
Người dân Nhật Bản tham gia cuộc tuần hành trong im lặng tại thủ đô Tokyo, bày tỏ sự tiếc thương đối với Kenji Goto. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Shinzo Abe đã gọi đây là "tội ác hèn hạ đáng ghê tởm" và nhấn mạnh “Nhật Bản sẽ quyết tâm lãnh trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế chiến đấu với khủng bố”, đồng thời chỉ thị triệt để đảm bảo an toàn cho người Nhật ở trong và ngoài nước.
Ông khẳng định Nhật Bản sẽ mở rộng hoạt động nhân đạo như cung cấp lương thực và thuốc men thông qua sự hợp tác với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố.
Tại cuộc họp, một quan chức Cơ quan cảnh sát Nhật Bản cho biết “nạn nhân trong đoạn băng hình nhiều khả năng chính là nhà báo tự do của nước này Kenji Goto”. Còn Chủ tịch Ủy ban Trị an quốc gia, bà Eriko Yamatani nhận định rằng dựa trên những phân tích tại Trung tâm Khoa học hình sự, “hiện chưa có thông tin nào phủ nhận việc ông Goto đã bị sát hại”.
Trong đoạn băng hình quay cảnh hành quyết con tin mới nhất được công bố trên mạng Internet đêm 31/1, nhà báo người Nhật Bản Goto trong trang phục màu cam đã cáo buộc chính phủ nước này khiến ông bị sát hại.
Cũng trong đoạn băng này, một người đàn ông đeo mặt nạ có giọng Anh, được cho chính là thành viên trong các đoạn băng hành quyết trước đó của nhóm IS, đã gọi việc sát hại con tin Goto là mở màn cho "cơn ác mộng đối với Nhật Bản", và việc hành quyết con tin là hệ quả từ "những quyết định thiếu thận trọng" của chính quyền Tokyo.
Tuy nhiên, số phận phi công người Jordan Maaz al-Kassasbeh mà IS đang giữ làm con tin không được nhắc tới. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên ánh hành động trên, coi đây là "vụ giết người dã man", đồng thời kêu gọi IS thả vô điều kiện toàn bộ các con tin đang bị chúng bắt giữ. Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới cũng đã lên án mạnh mẽ hành động tàn bạo của IS.
Trong khi đó, các nước Australia và Anh cũng đã kịch liệt lên án việc IS hành quyết nhà báo người Nhật Bản và cam kết sẽ nỗ lực hợp tác để đối phó với các phần tử thánh chiến.
Phát biểu với báo giới tại Sydney (Australia) khi tham dự cuộc gặp thường niên với người đồng cấp nước chủ nhà Julie Bishop, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond khẳng định việc hai công dân Nhật Bản bị IS sát hại là hành động tàn bạo và cộng đồng quốc tế cần phải hợp lực để đối phó với chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức.
Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng Australia Tony Abbott đã chỉ trích mạnh mẽ các vụ hành quyết con tin người Nhật Bản.
Trong một diễn biến liên quan, trong một tuyên bố ngày 1/2, Chính phủ Jordan cam kết sẽ làm tất cả những gì có thể để giải cứu viên phi công Maaz al-Kassasbeh đang bị IS bắt giữ.
Trước đó, IS đã yêu cầu trao đổi viên phi công này với một nữ tay súng người Iraq đã bị Chính phủ Jordan kết án tử hình. Amman cũng từng khẳng định sẵn sàng chấp nhận yêu cầu trao đổi này nếu IS đưa ra được bằng chứng chứng minh phi công Maaz al-Kassasbeh hiện vẫn còn sống.
TTXVN/Tin tức