Một ngày sau khi cuộc bầu cử Quốc hội khóa 5 tại Campuchia kết thúc, Tổ chức Đại hội quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP) và Hiệp hội các đảng dân chủ châu Á - Thái Bình Dương (CAPDI) tuyên bố cuộc bầu cử Quốc hội khóa 5 ở Campuchia ngày 28/7 đã diễn ra tự do, công bằng, chính xác, minh bạch, không bạo lực.
Người dân đứng kín phía ngoài một điểm bầu cử ở Phnôm Pênh trong lúc nhân viên đang kiểm phiếu bên trong. Tân hoa/TTXVN |
Tại cuộc họp báo tổ chức tại Phnôm Pênh sáng 29/7, Chủ tịch CAPDI, ông Jose Devenecia nhấn mạnh rằng tổng kết hoạt động giám sát bầu cử cho thấy cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia khóa 5 đã thành công, kết quả bầu cử phản ánh ý nguyện của cử tri, cho thấy dân chủ ở Campuchia đã được củng cố. Cuộc họp báo có sự tham dự của nhóm quan sát viên quốc tế (ICAPP), Hàn Quốc, Adécbaigian, Hunggari... - đã tham gia thực hiện hoạt động giám sát trong cuộc bầu cử vừa qua và đại diện Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia (NEC). Trước đó, chiều 28/7, nhóm quan sát viên ASEAN cũng tổ chức họp báo đánh giá quá trình bầu cử Quốc hội Campuchia khóa 5 đã diễn ra tốt đẹp.
Theo kết quả sơ bộ được báo chí Campuchia công bố, đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền giành được ghế và đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập giành được 55 ghế trong Quốc hội khóa mới.
CPP đã ra tuyên bố khẳng định CPP đã giành thắng lợi chắc chắn với số ghế cao nhất trong Quốc hội nhiệm kỳ mới, đủ số phiếu để thành lập chính phủ nhiệm kỳ mới. CPP khẳng định lập trường kiên định bảo vệ quyền lợi của dân tộc và nhân dân trong mọi hoàn cảnh, đồng thời kêu gọi toàn thể nhân dân tiếp tục bình tĩnh, giữ gìn ổn định, an ninh, trật tự xã hội nhằm tạo điều kiện để NEC hoàn thành nhiệm vụ của mình. Hiện tại NEC đang khẩn trương hoàn thành công tác tổng kết kết quả bầu cử để có thể công bố kết quả tạm thời trước ngày 10/8.
Trong khi đó, sáng 29/7, CNRP tổ chức họp báo tuyên bố không công nhận kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia khóa 5. Chủ tịch CNRP Sam Rainsy đề nghị thành lập một ủy ban điều tra hỗn hợp với thành phần gồm đại diện của CNRP, CPP, NEC, Liên hợp quốc, các tổ chức dân sự... để kiểm tra quá trình bầu cử.
Xuân Khu (Pv TTXVN tại Phnôm Pênh)