Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 17/8 cho biết Berlin phản đối việc thành lập một nhà nước độc lập của người Kurd tại Iraq, lực lượng đang giao tranh với các tay súng thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) với sự hỗ trợ của phương Tây.
Các chiến binh người Kurd tại khu vực thị trấn Bashiqa, cách Mosul 13km về phía đông bắc ngày 16/8. Ảnh: AFP-TTXVN |
Trả lời phỏng vấn tờ "Bild", ông Steinmeier nói: "Một nhà nước độc lập của người Kurd sẽ gây bất ổn hơn cho khu vực và làm dấy lên những căng thẳng mới như căng thẳng với nước láng giềng của Iraq". Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Đức, quan điểm này của Berlin xuất phát từ mục tiêu muốn "bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ của Iraq".
Trong khi đó, một tờ báo khác của Đức là "Der Spiegel" (Tấm gương) dẫn các nguồn tin chính phủ Đức cho biết nước này sẵn sàng ủng hộ sự can thiệp quân sự của quốc tế tại miền Bắc Iraq, song chỉ dưới sự bảo hộ của Liên hợp quốc.
Với sự hậu thuẫn của máy bay Mỹ và vũ khí của các nước phương Tây, lực lượng người Kurd tại miền Bắc Iraq đang giao tranh với các tay súng IS nhằm giành lại quyền kiểm soát đập Mosul, con đập lớn nhất ở Iraq. Theo các nguồn tin tại chỗ, hiện lực lượng người Kurd đã kiểm soát khu vực phía Đông đập Mosul nhưng vẫn gặp nhiều trở ngại do lực lượng IS cài bom ven đường. Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) khẳng định đã tiến hành 9 vụ không kích gần Arbil và đập Mosul để giúp lực lượng người Kurd giành lại quyền kiểm soát. Trong các cuộc không kích này, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của Mỹ đã phá huỷ một số xe bọc thép và xe chở quân của IS.
Nếu chiếm lại được con đập chiến lược nằm trên sông Tigris, đây sẽ là chiến thắng lớn nhất kể từ khi lực lượng người Kurd phát động chiến dịch phản công IS hồi đầu tháng 6 vừa qua.
Trong khi đó tại tỉnh Anbar ở phía Tây Baghdad, các tay súng bộ lạc người Sunni với sự hậu thuẫn của lực lượng chính phủ đã giành một số thắng lợi trước IS ở thủ phủ Ramadi. Giao tranh cũng tiếp diễn tại thung lũng Euphrates của thị trấn chiến lược Haditha, nơi cũng có một con đập trọng yếu khác.
* Trong một diễn biến khác cùng ngày, Bộ trưởng Nhập cư Australia Scott Morrison cho biết nước này sẽ tiếp nhận khoảng 4.400 người tỵ nạn đến từ hai nước xảy ra chiến sự ác liệt là Iraq và Syria. Theo ông Morrison, chính phủ Australia sẽ thu xếp chỗ ở cho ít nhất 2.200 người tỵ nạn Iraq, trong đó có cộng đồng người thiểu số chạy trốn khỏi cuộc xung đột tôn giáo và sắc tộc ở miền Bắc Iraq. Ngoài ra, Australia cũng tiếp nhận 2.200 người tỵ nạn Syria.
Theo chương trình tỵ nạn nhân đạo của Australia, mỗi năm quốc gia ở châu Đại Dương này tiếp nhận gần 14.000 người nhập cư. Năm 2013 có hơn 1.000 người Syria, 2.000 người Iraq và gần 3.000 người tỵ nạn Afghanistan tới định cư tại Australia.
TTXVN/ Tin tức