Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú đã được trình lên Quốc hội. PV Báo Tin tức đã ghi nhận một số ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng như cử tri xung quanh dự luật này.
ĐBQH Lê Đông Phong, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh:
Các biện pháp quản lý các dạng cư trú là cách quản lý của Nhà nước nhưng đừng biến đó thành những giấy phép đối với công dân. Cụ thể, đừng để vấn đề nhập hộ khẩu bị lạm dụng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân từ việc xin nhập trường cho con đến việc cấp điện… Đừng coi hộ khẩu là một giấy phép vì hộ khẩu chỉ là một biện pháp để quản lý cư trú.
Việc thay đổi nơi cư trú của người dân thường chuyển đổi theo sự phát triển của kinh tế - xã hội. Do đó, về lâu dài, không nên dùng các biện pháp hành chính để điều chỉnh sự tăng dân số cơ học, nhất là tại các thành phố lớn. Nhưng trước mắt, để giải quyết tình trạng người dân dồn về các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tôi đồng tình với quy định về diện tích tối thiểu cho trường hợp cho thuê, mượn hoặc ở nhờ (trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải bảo đảm diện tích mặt sàn tối thiểu là 5 m2/người và được người cho thuê, mượn, ở nhờ đồng ý bằng văn bản và phải có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố từ 3 năm trở lên - PV). Tuy nhiên, cần để Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố quy định diện tích bình quân tối thiểu này.
Ông Nguyễn Văn Ty, Tổ trưởng Tổ dân cư số 11, phường Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội:
Luật Cư trú hiện hành chưa cấm trường hợp cho người khác đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp để trục lợi. Bên cạnh đó, luật quy định, công dân cư trú liên tục tại thành phố từ một năm trở lên và có chỗ ở hợp pháp thì được đăng ký thường trú. Thực tế, trong thời gian qua tại địa phương, các quy định thông thoáng này gây khó khăn cho các cấp chính quyền cơ sở trong việc quản lý cư trú. Có một số trường hợp, hộ gia đình đã cho nhiều người nhập khẩu vào hộ khẩu nhà mình, nhưng thực tế những người nhập khẩu nhờ lại không sống trong gia đình đó.
Luật cũng quy định chưa chặt chẽ về việc xóa đăng ký thường trú nên có nhiều trường hợp được cấp giấy chuyển hộ khẩu để đăng ký thường trú tại nơi ở mới, nhưng vẫn không bị xóa thường trú tại nơi ở cũ dẫn đến tình trạng, một người thường trú ở hai nơi...
Do đó, theo quan điểm của tôi, Luật Cư trú mới cần quy định tăng thời gian tạm trú của công dân tại nơi ở mới lên từ 2 - 3 năm mới được nhập khẩu. Đặc biệt, công dân muốn đăng ký hộ khẩu thường trú ổn định tại các quận, huyện nội thành của các thành phố lớn phải có chỗ ở hợp pháp là nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc thuê nhà ở lâu dài và đã tạm trú liên tục tại chỗ từ 2 năm trở lên.
Phương Liên - Nguyễn Tiến