Hiện nay, ở một số tuyến đường nội thôn, tổ dân phố tại các địa phương xuất hiện tình trạng dựng gác chắn để ngăn xe quá tải, quá khổ vận chuyển hàng hóa vào trong thôn, tổ dân phố, gây không ít khó khăn cho người dân.
Việc dựng gác chắn thông thường là chủ trương chung của địa phương, với mục đích bảo vệ tuyến đường của khu dân cư, ngăn chặn tai nạn giao thông và giảm ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn… Nhiều nơi có quy ước nếu xe quá khổ, quá tải muốn vận chuyển hàng hóa vào trong thôn, tổ dân phố thì phải đóng phí và khoản thu phí này phục vụ cho việc sửa chữa tuyến đường nếu xảy ra hư hỏng, xuống cấp.
Bên cạnh tác dụng của việc dựng gác chắn để bảo vệ các tuyến đường của thôn, tổ dân phố thì đã phát sinh những hệ lụy không nhỏ từ hành vi này, cụ thể như: Việc dựng gác chắn gây khó khăn, cản trở cho việc vận chuyển hàng hóa vào trong thôn, tổ dân phố ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của người dân địa phương. Một số địa phương dựng gác chắn quy định số xe có trọng tải, chiều cao nhất định mới có thể vào tuyến đường trong thôn, tổ dân phố vô tình đã gây cản trở giao thông và vi phạm pháp luật giao thông đường bộ.
Nhiều trường hợp xảy ra tai nạn giao thông do người tham gia giao thông tông vào gác chắn. Việc tự ý rào gác chắn có thể hiểu và thông cảm nhằm mục đích bảo vệ tuyến đường do nhân dân trong thôn, tổ dân phố tự bỏ tiền để đầu tư xây dựng phục vụ cho cộng đồng dân cư nhưng một số tuyến đường trong thôn, tổ dân phố là do ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng thì việc tự ý dựng gác chắn có hợp lý hay không. Mặt khác, một số thôn, tổ dân phố tự ý đặt ra các khoản phí đối với các xe vận chuyển hàng hóa, vật liệu vào trong thôn, tổ dân phố là trái quy định; việc quản lý, sử dụng khoản thu phí này không được rõ ràng, minh bạch…
Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp quản lý và chấn chỉnh tình trạng tự ý dựng gác chắn, gây mất trật tự, an toàn toàn giao thông tại một số thôn, tổ dân phố hiện nay.
Minh Anh