Dưới mái nhà chung

Tôi vào làm tại Bảo Việt Nhân thọ (BVNT) Hà Nội tháng 2/1998 ở vị trí kỹ sư tin học. Vợ tôi vào Công ty sau đó 2 năm với chức danh kế toán viên. Chúng tôi gặp gỡ và bắt đầu thời gian tìm hiểu nhau bằng những điều hết sức đơn giản thông qua việc hỗ trợ qua lại giữa tin học và kế toán. Thế rồi chúng tôi đi đến quyết định hôn nhân. Anh em bạn bè trêu: “…ông này về sau tha hồ bị vợ quản thúc tiền lương”.


Năm 2003, chúng tôi có cháu trai đầu lòng. Giai đoạn này tôi đã chuyển lên Trung tâm thông tin (TTTT) của BVNT. Thời điểm này, BVNT triển khai nhiều dự án phần mềm lớn và hỗ trợ Công ty thành viên trên toàn hệ thống nên tôi thường xuyên phải đi công tác dài kỳ, cả vào ngày nghỉ lễ. Do cả hai làm cùng hệ thống BVNT nên cô ấy đã rất hiểu và thông cảm với tôi. Nhưng quả thực là bao nhiêu lương bổng cô ấy nắm được hết. Tuy nhiên, vợ tôi làm kế toán chuyên thu thật nhưng cũng không tận thu hết lương bổng của chồng. Tôi vẫn thấy thoải mái trong việc chi tiêu của mình. Giai đoạn này chúng tôi hết sức tiết kiệm và phải nói đúng là tích góp để mua nhà.

 

Đây cũng là thời điểm BVNT phát triển mạnh mẽ, khiến gia đình tôi có thu nhập ổn định và có của để dành. Năm 2005, chúng tôi chuyển về tổ ấm mới ở khu đô thị Định Công - Hà Nội. Cuộc sống vẫn tiếp diễn theo đúng dự định kế hoạch của chúng tôi. Sau khi vợ tôi bảo vệ thạc sỹ chuyên ngành Kinh tế năm 2007, thì đến năm 2008 gia đình chúng tôi đón thêm thành viên mới là một cô công chúa sinh nặng những 4 kg. Giai đoạn đánh dấu một sự thay đổi lớn của Bảo Việt đó là cổ phần hóa và chuyển đổi mô hình thành Tập đoàn. Tôi được chuyển về Khối Công nghệ Thông tin (CNTT) của Tập đoàn.


Bên cạnh sự lớn mạnh của Bảo Việt trong lĩnh vực kinh doanh, Lãnh đạo tập đoàn cũng rất chú trọng đến các hoạt động xã hội nhằm quảng bá hình ảnh. Một trong những hoạt động do Tập Đoàn phát động cùng các Công ty thành viên trên địa bàn Hà nội, đó là chuyến hành trình tặng quà cho các cháu học sinh vùng cao và trinh phục đỉnh FANSIPAN của Tỉnh Lào Cai vào năm 2011. Vợ chồng tôi đều đăng ký tham gia hành trình cùng Tập đoàn. Nhưng để đi đến quyết định này thì cả hai cùng suy đi, tính lại, hỏi kinh nghiệm những người đã từng đi, những khó khăn, vất vả cho một hành trình dài di chuyển và leo núi, nó đòi hỏi phải có sức khỏe.

 

Chút ít kinh nghiệm thu nạp được từ những người đi trước, các trang mạng xã hội chia sẻ có lẽ không làm vơi bớt nỗi lo âu cho hai chúng tôi. Để rồi trước khi khởi hành 1 tháng, chúng tôi lập kế hoạch rèn luyện cấp tốc để có thể tăng cường thể lực và cảm nhận được sự mệt mỏi khi leo núi. Chúng tôi có một lợi thế không nhỏ là nhà ở chung cư cao 18 tầng. Hàng ngày đi làm về, chúng tôi tập bằng cách leo cầu thang bộ của tòa nhà. Ban đầu chỉ được 5 tầng đã thở dốc, rồi dần nâng lên 7, và cứ thế cho đến khi chạm đỉnh tòa nhà 18 tầng. Đến khi vào hành trình thật cùng Tập đoàn tháng 12/2011, chúng tôi cảm nhận thấy sự vất vả gấp bội phần so với khi tập nâng cao thể lực. Bên cạnh các yếu tố tác động bên ngoài như: thời tiết lạnh giá, không khí loãng… thì ý chí vượt khó, sự động viên tinh thần đóng một vai trò không nhỏ.

 

Đêm đông lạnh giá dưới 0 độ giữa rừng sâu, ở độ cao 2.800 m, cùng với tiếng hát, tiếng cười đùa, tiếng dô nâng chén rượu… trong những tấm lều bạt của anh chị em cán bộ Đại gia đình Bảo Việt làm ấm lòng tất cả mọi người, trong đó có vợ chồng chúng tôi. Để rồi thời khắc đạt đỉnh (độ cao 3.143 m trên núi, chứ không phải độ sâu dưới biển) trên đỉnh FANSIPAN vào lúc 09 giờ 17’ sáng ngày 18/12/2011 là khoảnh khắc đáng nhớ nhất của vợ chồng chúng tôi sau 12 năm gắn bó và còn hơn thế nữa dưới mái nhà chung của BẢO VIỆT.


Hoàng Thế Anh (Khu đô thị mới Định Công,  Hoàng Mai, Hà Nội)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN