Bộ trưởng tài chính các nước Liên minh châu Âu (EU) ngày 21/6 đã họp bàn về quy định đóng cửa các ngân hàng thua lỗ mà không gieo nỗi sợ hãi và gánh nặng cho người đóng thuế. Họ định buộc những bên có khoản gửi tiền lớn phải chịu thua thiệt trong trường hợp ngân hàng gặp khủng hoảng. Quy định này, dự kiến sẽ áp dụng cho toàn khối nếu được thông qua, là một biện pháp cải cách đang gây chia rẽ trong nội bộ EU.
Quy tắc “một cho tất cả”
Phát biểu trước thềm cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Anders Borg cho rằng họ sẽ có một cuộc đàm phán khó khăn. Theo ông Borg, quy tắc theo kiểu “một cho tất cả” mà được áp cho toàn bộ các nước EU là “nguy hiểm”.
Quy tắc “một cho tất cả” sẽ ngặt nghèo hơn đối với các ngân hàng thuộc Eurozone. |
EU đã phải chi tới 1/3 thành quả kinh tế để giải cứu các ngân hàng trong giai đoạn 2008 - 2011 mà phần lớn là dùng tiền đóng thuế của người dân, khiến người dân bất mãn và làm vấn đề nợ công thêm nghiêm trọng.
Theo dự luật dài 300 trang được EU thảo luận, trong trường hợp ngân hàng khủng hoảng, người chịu thiệt đầu tiên sẽ là cổ đông, tiếp đó là người nắm giữ trái phiếu và cuối cùng là bên gửi tiền từ 100.000 euro trở lên. Nếu thành luật, điều đó có nghĩa là hình thức đối xử “khắc nghiệt” với người gửi nhiều tiền như tại CH Síp hồi tháng 3 sẽ được áp dụng lâu dài trong cơ chế xử lý các cuộc khủng hoảng ngân hàng trong tương lai của EU. Các nước EU sẽ phải theo quy tắc này khi đóng cửa các ngân hàng. Thậm chí, quy tắc này sẽ còn ngặt nghèo hơn đối với các ngân hàng ở những nước thuộc Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Một số người lo rằng việc buộc bên gửi nhiều tiền, dù là cá nhân hay là công ty, chịu thua thiệt có thể dẫn đến tình trạng rút tiền đồng loạt. Số khác cho rằng các quy định phải được làm rõ ngay từ đầu. Thụy Điển, Anh và Pháp khăng khăng các nước phải là người có tiếng nói cuối cùng về cách đóng cửa ngân hàng thua lỗ và không nên bị ràng buộc bởi quy định chung của EU. Trong khi đó, Đức, Hà Lan và Áo muốn bộ quy tắc áp dụng cho cả 27 nước EU.
Dù gây tranh cãi nhưng việc EU có được các quy tắc áp dụng cho hệ thống ngân hàng toàn khối được coi là một bước tiến quan trọng hướng tới thành lập liên minh ngân hàng của Eurozone, đảm bảo Eurozone có thể tồn tại lâu dài. Nếu được thông qua, bộ quy tắc EU sẽ có hiệu lực từ năm 2015, còn điều khoản áp đặt thua lỗ sẽ áp dụng từ năm 2018.
Hỗ trợ trực tiếp ngân hàng
Các bộ trưởng tài chính EU ngày 20/6 đã thống nhất về cách thức rót tiền trực tiếp cho các ngân hàng gặp khủng hoảng để hạn chế thiệt hại cho cả nền kinh tế rộng hơn.
Theo đó, Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) sẽ chỉ được cung cấp tổng cộng 60 tỷ euro cho các ngân hàng. Khoản tiền này khá nhỏ so với quy mô các gói giải cứu ngân hàng gần đây nhưng sẽ được điều chỉnh nếu cần thiết. Nước thành viên liên quan sẽ phải đảm bảo rằng ngân hàng xin giải cứu phải có tối thiểu 4,5% “vốn đệm”.
Tuy nhiên, ESM sẽ chưa thể đi vào hoạt động ngay lập tức. Bộ trưởng Tài chính Ailen, Michael Noonan, dự đoán có thể phải mất tới 12 tháng, trong khi các bộ trưởng tài chính khác cho rằng có thể còn mất nhiều thời gian hơn.
Lúc “cao trào” của cuộc khủng hoảng nợ công, EU đã thiết lập ESM trị giá 500 tỷ euro để giải cứu các nước thành viên. Hồi tháng 6, khi các ngân hàng Tây Ban Nha sắp sụp đổ, cơ chế này đã được mở rộng quy mô để hỗ trợ trực tiếp cho các ngân hàng gặp khó.
Thùy Dương