EU công bố kế hoạch đầy tham vọng về tiếp nhận nhập cư

Ngày 13/5, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố chương trình tiếp nhận người nhập cư được cứu trên biển Địa Trung Hải tại tất cả các quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, Anh, Ireland và Đan Mạch không nằm trong cơ chế này. 


Người nhập cư trái phép từ khu vực châu Phi phụ cận sa mạc Sahara tại khu vực tạm giữ ở quận al-Karem, miền đông Libya ngày 9/5. Ảnh: AFP-TTXVN


Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, kế hoạch này được hứa hẹn từ nhiều tháng trước và được đưa ra sớm hơn vài tuần do tính chất thảm khốc của cuộc khủng hoảng người nhập cư bị thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải, khiến các nhà lãnh đạo EU đã phải tiến hành Hội nghị thượng đỉnh bất thường cách đây 2 tuần để quyết định tăng gấp 3 ngân sách dành cho chiến dịch giám sát biên giới trên biển (Triton). Một ngân sách trị giá 89 triệu euro đã được chi cho các quốc gia "tuyến đầu" về nhập cư. Dự kiến từ nay đến cuối tháng, một kế hoạch mới cho Triton sẽ được công bố. 


Để giúp đỡ các quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp từ làn sóng người nhập cư như Italy và Malta, EC dự kiến thiết lập một hệ thống tái định cư cho người xin tị nạn trên toàn châu Âu, như đề xuất của Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker. Hệ thống này bao gồm một cơ chế khẩn cấp nhằm đối phó với làn sóng những người xin tị nạn và một cơ chế mang tính dài hạn. Căn cứ vào những hiệp ước hiện hành, Anh, Iceland được hưởng quy chế không bị ràng buộc, có nghĩa có thể chọn lựa tham gia hoặc không tham gia cơ chế này, trong khi Đan Mạch có quyền rút khỏi cơ chế. Theo Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini, EU căn cứ vào Hiệp ước Geneva về nhân quyền quốc tế để tiếp nhận người nhập cư đến từ các quốc gia chịu khủng hoảng. Từ nay đến cuối tháng, EC sẽ đưa ra chương trình tiếp nhận và phân chia 20.000 người nhập cư cho các quốc gia thành viên trong vòng 2 năm với khoản ngân sách đặc biệt được bổ sung thêm 50 triệu euro cho giai đoạn 2015-2016. 


Phát biểu với báo giới, Phó Chủ tịch thứ nhất EC Frans Timmermans, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini và Ủy viên châu Âu phụ trách nội vụ Dimitris Avramopoulos cho biết việc phân chia hạn ngạch sẽ được căn cứ vào dân số và tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia đó. Theo dự án, Đức, Pháp và Anh sẽ là những quốc gia tiếp nhận số lượng người nhập cư nhiều nhất. Ông Frans Timmermans cũng nhấn mạnh EU sẽ phải thực hiện một cách hiệu quả chính sách đối với những người không được chấp nhận nhập cư, đồng thời không bao giờ đưa những người này quay trở lại những nơi không an toàn đối với họ. Ngoài ra, EU cũng kêu gọi các quốc gia thành viên tăng cường đoàn kết, phát triển những kênh nhập cư hợp pháp, an toàn và chống nạn buôn người. 


Kể từ đầu năm đến nay đã có 1.800 người thiệt mạng khi cố gắng vượt biển Địa Trung Hải. Khoảng 51.000 người đã cập bến châu Âu bằng đường biển, trong đó 30.500 người đi qua Italy. Sau khi công bố chương trình nhập cư, trên mạng Twitter của mình, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker nhấn mạnh không một quốc gia nào bị bỏ mặc đơn độc đối phó với sức ép to lớn về nhập cư. Trong năm 2014 đã có 360.000 đơn xin tị nạn tại châu Âu nhưng chỉ một nửa trong số đó (185.000 người) được 6 quốc gia tiếp nhận gồm Đức, Thụy Điển, Pháp, Italy, Anh và Hà Lan.



TTXVN/Tin tức

Khủng hoảng nhập cư châu Âu (Tiếp theo và hết)
Khủng hoảng nhập cư châu Âu (Tiếp theo và hết)

Sau vụ chìm tàu thảm khốc trên biển Địa Trung Hải, EU đã nhanh chóng thông qua một kế hoạch 10 điểm rộng lớn nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư và tị nạn dọc bờ biển Địa Trung Hải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN