Ngày 6/3, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini đã phản đối việc Mỹ dự định cung cấp vũ khí phòng thủ và sát thương cho Ukraine để giúp quân đội nước này chống lại lực lượng đòi độc lập ở miền Đông.
Binh sĩ Ukraine chất vũ khí lên tàu hỏa để chuyển khỏi thành phố Artemivsk thuộc khu vực Donetsk ở miền đông ngày 6/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner cùng một nhóm các nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ và Cộng hòa đã gửi thư tới Tổng thống Barack Obama kêu gọi cung cấp vũ khí cho Ukraine. Song, cho tới nay đề xuất này hầu như không nhận được sự ủng hộ nào trong EU. Theo bà Mogherini, phương hướng hành động tiếp theo là thực thi thỏa thuận hòa bình được ký ở Minsk, thủ đô Belarus, hồi tháng trước.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz cũng cho rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ đổ thêm dầu vào lửa vì mục tiêu của EU là lệnh ngừng bắn chứ không phải là làm leo thang căng thẳng.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 6/3, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho biết nước này đã lên kế hoạch cung cấp cho quân đội Ukraine một lô thiết bị quân sự phi sát thương. Lô thiết bị trên bao gồm các bộ sơ cứu y tế, kính bảo hộ ban đêm, máy tính xách tay, mũ bảo hiểm và hệ thống định vị toàn cầu (GPS), với tổng trị giá 1,3 triệu USD, sẽ được chuyển cho Ukraine trong những tuần tới theo đề nghị của Kiev.
Tại cuộc gặp cùng ngày giữa Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopacz và Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Oleksandr Turchynov, Ba Lan đã đồng ý đào tạo binh sĩ Ukraine nhằm tăng cường khả năng tác chiến của quân đội nước này.
Liên quan phái bộ OSCE tại Ukraine, ngày 6/3, Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày cho biết Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov và người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier đã hối thúc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) nhanh chóng đưa ra quyết định về việc kéo dài sứ mệnh của phái bộ giám sát đặc biệt OSCE tại Ukraine, đồng thời tăng gấp hơn 2 lần số lượng quan sát viên ở đó lên 1.000 người.
Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn nguồn từ truyền thông sở tại cho biết hiện Đức đã sẵn sàng tham gia hỗ trợ sứ mệnh hòa bình ở Ukraine bằng việc cung cấp máy bay trinh sát, thậm chí cả binh sĩ. Những thông tin này trái với phát biểu trước đó của Tổng Thư ký OSCE Lamberto Zannier cho rằng sứ mệnh giám sát hòa bình ở Đông Ukraine chỉ cần tới 350 quan sát viên OSCE, ngoài ra các quan sát viên cần được cung cấp ảnh vệ tinh và máy bay không người lái để có thể thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình.
TTXVN/Tin tức