Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 15/3 tiếp tục đau đầu tìm giải pháp cứu trợ CH Síp, trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh của nhóm tại Brúcxen (Bỉ) bị hàng nghìn người tập trung bên ngoài để phản đối tình trạng thất nghiệp tràn lan.
Một người biểu tình giương tấm biển “Phản đối thắt lưng buộc bụng” bên ngoài trụ sở EU ở Brúcxen hôm 14/3. |
Sau ba năm cuộc khủng hoảng nợ công thống trị chương trình nghị sự của EU, giờ đây khi những hoảng loạn trên thị trường đã giảm bớt, các nhà lãnh đạo EU bắt đầu tập trung đối phó với các hậu quả kinh tế - xã hội của cuộc khủng hoảng nợ. Kinh tế vẫn suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp thì tăng cao kỷ lục tại các quốc gia trong khu vực. Tỷ lệ thất nghiệp của cả khối EU đã xấp xỉ 12%, với tổng cộng 26 triệu người thất nghiệp, trong đó 7 triệu người ở độ tuổi thanh niên.
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh EU 14/3, Chủ tịch EU Herman Van Rompuy khẳng định trọng tâm của cuộc thảo luận ngày đầu tiên là tạo việc làm, đặc biệt là cho giới trẻ. Dù vậy, kết thúc ngày đầu tiên vẫn chưa có một giải pháp cụ thể nào được đưa ra.
Ưu tiên tăng trưởng trong khắc khổ
Làm sao để vừa phục hồi tăng trưởng kinh tế vừa duy trì các biện pháp khắc khổ để giảm nợ công cũng là chủ đề trong ngày họp đầu tiên của hội nghị. Trong khi nền kinh tế lớn nhất khối là Đức kiên trì lập trường đòi các nước thành viên tiếp tục chính sách "thắt lưng buộc bụng", thì Pháp và một số nước thành viên khác lại muốn nới lỏng chính sách này nhằm giảm áp lực phản đối từ người dân. Kết quả, Pháp và Italia đã giành được sự ủng hộ khi các nhà lãnh đạo EU nhất trí tăng đầu tư công với điều kiện tiếp tục giảm thâm hụt ngân sách. Kết luận đầu tiên tại hội nghị có đoạn: “Tình trạng trì trệ của nền kinh tế trong năm 2013 như dự báo và thất nghiệp ở mức cao không thể chấp nhận được càng khiến các nước phải nỗ lực hơn nữa ưu tiên tăng trưởng kinh tế”. Dường như Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tránh đối đầu với Pháp khi tuyên bố sau hội nghị rằng các bên nhất trí củng cố ngân sách, cải cách cơ cấu và tăng trưởng không mâu thuẫn với nhau mà phải được đồng thời củng cố.
Liên quan đến cuộc thảo luận về việc cứu trợ CH Síp giữa các bộ trưởng Eurozone, CH Síp hồi tháng 6/2012 đã đề nghị họ cần cứu trợ 17 tỷ euro và Tổng thống Nicos Anastasiades tuyên bố ông hy vọng hội nghị lần này có thể đưa ra kết luận. Tuy nhiên, hãng tin AFP dẫn nguồn từ các quan chức Đức cho biết sẽ không kỳ vọng nhiều vào việc thông qua gói cứu trợ cho CH Síp tại kỳ họp lần này, và việc thảo luận còn phải kéo dài nhiều tuần nữa.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo EU đã dành ngày thứ hai thảo luận về các mối quan hệ đối với đối tác quan trọng của khối là Nga và bàn về cuộc xung đột tại Xyri. Hội nghị nhất trí sẽ sớm tổ chức hội nghị ngoại trưởng khu vực để thống nhất lập trường của EU vấn đề hủy lệnh cấm vận vũ khí đối với Xyri. Trước đó, Thủ tướng Anh và Tổng thống Pháp đã úp mở tuyên bố hai nước này “đã sẵn sàng cung cấp vũ khí cho phe đối lập Xyri”.
Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Brúcxen cho biết khoảng 15.000 người là thành viên các nghiệp đoàn đến từ Bỉ, Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha ngày 14/3 đã bất chấp sương mù và tuyết rơi tập trung biểu tình phản đối chính sách kinh tế thắt lưng buộc bụng và kêu gọi tạo việc làm cho thanh niên tại Quảng trường Cinquanternair, gần trụ sở của Hội đồng châu Âu (EC) ở Brúcxen. Cuộc biểu tình về cơ bản diễn ra trong hòa bình song đã có vài chục thanh niên trẻ bị bắt sau khi tìm cách xâm nhập vào trụ sở EC.
L.D (tổng hợp)