Các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ngày 20/11 đã nhóm họp bàn cách giúp Hy Lạp được giải ngân khoản cứu trợ 31,5 tỷ euro (trong gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro mà các định chế tài chính quốc tế dành cho nước này) nhằm thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ đang cận kề.
Theo hãng tin Pháp AFP, cuộc họp này dự kiến chỉ đạt đồng thuận về mặt chính trị. Hy Lạp vẫn phải chờ thêm vài ngày nữa mới có cơ hội nhận được thỏa thuận cuối cùng về việc giải ngân số tiền nói trên. Trước thềm cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yannis Stournaras khẳng định Aten "hoàn toàn sẵn sàng" cho cuộc gặp quan trọng này.
Việc giải ngân số tiền nói trên lẽ ra phải được quyết định tại cuộc họp hồi tuần trước giữa các bộ trưởng tài chính Eurozone và đại diện nhóm "Bộ ba" chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tuy nhiên, cuộc họp này đã kết thúc mà không đạt đồng thuận về cách thức giải quyết khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp. Việc các bộ trưởng nhất trí lùi thời gian quyết định việc giải ngân số tiền tối cần thiết cho Hy Lạp đang đẩy nước này tới sát gần hơn bờ vực vỡ nợ.
Trong bối cảnh Hy Lạp đang rơi vào trạng thái chờ đợi căng thẳng thì hai nền kinh tế lớn khác của Eurozone là Pháp và Italia lại đối mặt với sức ép mới khi ngày 20/11 hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody's đã hạ một điểm đối với trái phiếu chính phủ của Pháp từ mức cao nhất AAA xuống Aa1, đánh giá triển vọng tài chính của Pháp là "tiêu cực", đồng thời cảnh báo có thể còn tiếp tục hạ xếp hạng tín dụng của nước này. Theo Moody's, Pháp có thể "sa lầy" trong quỹ cứu trợ dài hạn của Eurozone mang tên Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM), trong khi nước này có nguy cơ gánh chịu rủi ro từ những "con bài đôminô" vỡ nợ công tiềm tàng như Italia, do các mối quan hệ về thương mại và ngân hàng của Pháp với các nước này.
Bên cạnh đó, Moody's cũng cảnh báo tình hình tại các ngân hàng của Italia sẽ tiếp tục xấu đi. Theo Moody's, với mức độ vốn thấp và dễ bị hao hụt, trong khi GDP sẽ giảm trong năm tới, triển vọng đối với các ngân hàng Italia vẫn là "tiêu cực" và còn có nguy cơ xấu hơn.
H.H