Hơn 200 nghệ nhân của tỉnh Gia Lai đại diện cho hai dân tộc chính là Jrai và Bahnar biểu diễn nghệ thuật tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm, diễn tấu cồng chiêng, diễn xướng sử thi, hát dân ca hòa trong không khí rộn ràng của nhiều dân tộc tỉnh bạn có mặt tại Festival lần này.
Nghệ nhân H’rin, 50 tuổi, làng Nghe Lớn, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro (Gia Lai) tâm sự: Bà biết dệt thổ cẩm từ lúc 14 tuổi. Thuở nhỏ, mỗi lần nhìn bà, nhìn mẹ, nhìn chị trong gia đình ngồi dệt, bà cũng mân mê sợi vải đòi mẹ dạy cho cách dệt. Lúc đầu, bà chỉ được dạy cách se chỉ, làm sợi, rồi sau đó mẹ bà mới cho dệt những vật dụng đơn giản như quai túi xách, dây cột đầu.
Những nét họa tiết nguệch ngoạc, vụng về ngày đầu tập dệt dần được thay thế bằng hoa văn tinh xảo hơn. 20 tuổi, bà đã biết dệt toàn bộ các vật dụng sinh hoạt với những sáng tạo hoa văn bắt mắt của tấm chăn hay bộ váy áo cho gia đình. Sau này, nhiều người biết đến sự khéo léo trong đường dệt của bà đã tìm đến đặt mua. Ngoài thời gian nương rẫy, bà tranh thủ dệt thổ cẩm kiếm thêm thu nhập và cũng để gìn giữ nét văn hóa truyền thống dân tộc.
Từ năm 2005, bà được mời dạy tại các lớp dệt thổ cẩm trong chương trình đào tạo việc làm cho lao động nông thôn tại các huyện Kông Chro, Kbang và thị xã An Khê. Học trò của bà H’rin nay có nhóm thành lập hợp tác xã, có nhóm thành lập câu lạc bộ dệt thổ cẩm tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động nữ địa phương, góp phần nâng cao công tác bảo tồn và phát huy nghề dệt của dân tộc Bahnar trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Nghệ nhân Ksor Lang, 64 tuổi, dân tộc Jrai, đoàn nghệ nhân huyện Krông Pa cho biết: Lúc còn trẻ, ông không học đan lát nhưng đến tuổi lấy vợ, theo phong tục người Jrai con trai phải có sính lễ nghề đan truyền thống, tự tay đan một chiếc gùi mang đến nhà gái thì mới được hỏi vợ. Lúc ấy, ông mới nhờ cha dạy đan gùi. Sau khi chiếc gùi hoàn thành và lấy được vợ, ông mới cảm nhận được nét văn hóa đẹp này và theo đuổi đam mê đan lát.
Hiện tại, ông thường đan gùi, giỏ, thúng, nia để bán. Mỗi sản phẩm thường được hoàn thành trong ngày và có giá từ 200-300 nghìn đồng. Đây cũng là nguồn thu nhập đáng kể của gia đình sau những ngày mùa vụ. Ông Ksor Lang chia sẻ: Việc đan gùi cũng nhiều thú vị, vất vả nhất là công đoạn lên rừng chặt nứa về vót, nhiều lúc đứt tay, chảy máu nhưng vì đam mê nên ông vẫn giữ nghề truyền thống.
Còn nghệ nhân Ksor Khoa, mới 25 tuổi, nhưng anh đã là “thợ cứng” trong việc tạc tượng nhà mồ trong làng. Khoa cho cho hay, ngày nhỏ thấy các ông, các chú trong làng đục đẽo để cho ra một tác phẩm tượng gỗ nhà mồ khiến Khoa rất thích thú. Chưa được dạy qua nhưng Khoa tự mình đục những bức tượng con vật nhỏ.
Sau này, thấy Khoa có năng khiếu tạc tượng, già làng dạy khoa tạc tượng người. Khéo tay, có con mắt nghệ thuật, chỉ sau 2 năm học nghề, Khoa đã tạc được những bức tượng có hồn, giống nhân vật được phác họa. Hiện tại, Khoa là nghệ nhân trẻ nhất trong đoàn tạc tượng gỗ dân gian của thành phố Pleiku. Hàng trăm bức tượng được Khoa phác họa sinh động, tay nghề ngày một nâng cao, tạo uy tín trong giới tạc tượng của tỉnh Gia Lai.
Ngoài đan lát, tạc tượng và dệt thổ cẩm, đoàn nghệ nhân tỉnh Gia Lai còn mang đến cho khán giả những làn điệu âm nhạc riêng biệt qua các tiết mục hát dân ca của người Jrai, diễn xướng sử thi của dân tộc Bahnar. Đây thực chất là những câu hát, điệu ví thường ngày của bà con hai dân tộc này trong quá trình sinh hoạt, làm rẫy. Khi nghỉ ngơi giữa giờ làm việc, bà con dân làng thường hát kể cho nhau nghe, chia sẻ cho nhau những câu chuyện buồn vui qua các tiết mục văn nghệ dân gian. Hay là những giai thoại lịch sử buôn làng được kể truyền từ đời này qua đời khác để lớp con cháu nhớ về cội nguồn dân tộc.
Theo nghệ nhân Siu Thưm, 35 tuổi, nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng, đoàn nghệ nhân thành phố Pleiku thì lớp trẻ các dân tộc Tây Nguyên cần học hỏi để lưu truyền giá trị văn hóa dân tộc mình. Anh thường xuyên dạy cồng chiêng, chế tác nhạc cụ dân tộc miễn phí cho các em nhỏ trong làng. Với anh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thì phải có thế hệ kế cận, tiếp nối. Vấn đề ở chỗ làm sao để thế hệ trẻ đam mê văn hóa dân tộc mình trước những du nhập văn hóa hiện đại.
Ông Nguyễn Quang Tuệ, nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: Đến với Festival lần này, tỉnh Gia Lai có hàng trăm nghệ nhân của các loại hình văn hóa nghệ thuật. Đây là dịp để tỉnh Gia Lai thống kê, quản lý số lượng nghệ nhân cũng như số lượng cồng chiêng trên địa bàn. Qua Festival lần này, số lượng hùng hậu các đoàn nghệ nhân của các loại hình nghệ thuật dân gian tỉnh cho thấy, Gia Lai đang sở hữu đa dạng các loại hình văn hóa nghệ thuật cần được bảo tồn và phát huy qua các thế hệ nghệ nhân.