Là diễn đàn của 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới, G-20 chiếm 90% GDP toàn cầu, nắm giữ 80% thương mại thế giới và là nơi sinh sống của hai phần ba dân số Trái đất. Vì vậy, Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra trong hai ngày 15-16/11 tại Brisbane (thủ phủ bang Queensland, Australia) thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận quốc tế.
Hàng trăm người phản đối chính quyền Australia né tránh vấn đề biến đổi khí hậu, bằng cách vùi đầu xuống cát. Ảnh: Reuters. |
Hội nghị thượng đỉnh G-20 lần đầu tiên được tổ chức chỉ nhằm thảo luận các vấn đề tài chính. Cùng với thời gian, chương trình nghị sự dần được mở rộng sang các lĩnh vực khác như chính trị, quân sự, xã hội... Năm nay, việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraina trở thành một trong những vấn đề thảo luận trọng tâm, trong khi các nhà tổ chức lại "phớt lờ" vấn đề biến đổi khí hậu, đã khiến dư luận nóng lên. Và cho dù chính quyền Australia thắt chặt các biện pháp an ninh chống biểu tình bạo lực và tấn công khủng bố, thì họ cũng đã không thể ngăn cản hàng trăm người dân nước này... vùi đầu trong cát trên bãi biển Bondi, Sydney để phản đối G20 không đề cập vấn đề biến đổi khí hậu.
Việc hội nghị "lờ đi" vấn đề biến đổi khí hậu đang khiến nhiều người tức giận, nhất là sau một thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc hôm 12/11 cam kết hạn chế phát thải khí carbon. Những người biểu tình tức giận khi cho rằng các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới bàng quan, không tìm cách "cứu lấy Trái đất, cứu lấy nhân loại", khi các hiện tượng của biến đổi khí hậu đang ngày một phát tác.
Đề cập các biện pháp an ninh tại nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G-20 lần này, báo chí Nga cho biết ngoài việc tăng cường tàu chiến tuần tiễu trên biển, chính quyền Australia cũng siết chặt an ninh tại các thành phố lớn, nhiều khu vực tại Brisbane trở thành khu "bảo mật" cao và hạn chế người đến khu vực này trước và trong thời gian diễn ra hội nghị. Cảnh sát được trao toàn quyền kiểm soát an ninh kỹ lưỡng đối với bất kỳ cá nhân nào, nếu như người đó có những hành vi đáng ngờ.
Các hàng rào an ninh cũng đã được dựng lên bên ngoài khu vực trung tâm hội nghị. Chính quyền áp dụng mọi biện pháp nhằm bảo đảm an ninh tối đa, ngăn chặn mọi cuộc tiến công có thể có từ đường thủy, đường không và đường bộ. Hơn 6.000 cảnh sát được huy động để bảo đảm an ninh trong thành phố, một mặt để ngăn chặn khủng bố, mặt khác cũng là để "đối phó" với người biểu tình.
Quế Anh