Trong cuộc họp khẩn cấp qua điện thoại vào tối 5/6 (theo giờ VN), các bộ trưởng tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã cam kết phản ứng “mau lẹ” với cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Âu.
Sau cuộc họp trên, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Jun Azumi cho biết: “Chúng tôi có thể chia sẻ với vấn đề của châu Âu. Phía châu Âu đã tuyên bố họ sẽ phản ứng mau lẹ”.
Thợ mỏ biểu tình ở Vega del Rey, miền bắc Tây Ban Nha, hôm 4/6 để phản đối chính phủ giảm trợ cấp. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Cuộc họp khẩn nói trên được tổ chức chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đổ lỗi cho châu Âu về sự trì trệ của nền kinh tế Mỹ. Cuộc họp cũng diễn ra sau khi Tây Ban Nha cảnh báo, họ có thể sẽ sớm không còn đủ sức cho vay trên thị trường - một dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy, Mađrít sẽ đòi hỏi một gói cứu trợ mà các đối tác châu Âu có thể không đáp ứng được.
Trước đó, ngày 5/6, Tây Ban Nha tuyên bố họ đã gần như đóng cửa thị trường tín dụng “đầy bão tố” của mình, trong khi một cuộc cứu trợ tài chính, về mặt kỹ thuật, là không khả thi.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Canađa Jim Flaherty cho rằng các bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Mỹ, Canađa, Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp và Italia nên gia tăng sức ép đối với các nước châu Âu để giải quyết tình hình hiện nay. Ông Flaherty bày tỏ lo ngại về hệ thống ngân hàng thiếu vốn của châu Âu và cùng với nó là các biện pháp chưa đủ mạnh để giải quyết được thực trạng này cũng như chưa xây dựng được "bức tường lửa" để ngăn chặn khủng hoảng.
Ngày 5/6, Cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế Standard & Poor's (S&P) nhận định rằng Hy Lạp vẫn phải đối mặt với nguy cơ rời khỏi Eurozone sau cuộc bầu cử lại, dự kiến diễn ra vào ngày 17/6 này. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Societe Generale thì GDP của Hy Lạp sẽ giảm từ 25-50% trong năm 2013 nếu nước này rút khỏi Eurozone.
H.L