Sau hai ngày nhóm họp tại Bắc Ailen (Vương quốc Anh), hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8) đã bế mạc vào chiều ngày 18/6 mà không tìm được giải pháp đột phá cho việc giải quyết khủng hoảng tại Xyri, và chỉ đưa ra được những tuyên bố “chung chung” trong cuộc chiến chống gian lận thuế.
Sự cứng rắn của Nga
Tuyên bố chung sau hội nghị chỉ nói rằng chính quyền Xyri trong tương lai cần "được thành lập trên cở sở đồng thuận" của tất cả các bên có liên quan, nhưng không nhắc đến vai trò của Tổng thống Bashar al-Assad trong tương lai. Đây dường như là một sự nhượng bộ đối với Nga - nước được cho là nhà cung cấp vũ khí chính của ông Assad. Trước đó, Lãnh đạo nước chủ nhà, Thủ tướng Anh David Cameron đã phát biểu rằng Tổng thống Assad không thể tham gia chính quyền chuyển tiếp sau khi gây ra cái chết của 93.000 người Xyri và theo các nước phương Tây chính phủ Xyri đã sử dụng vũ khí hóa học.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị G8 ngày 18/6. |
Các nhà lãnh đạo G8 cũng không đưa ra thời gian cụ thể để tổ chức đàm phán hòa bình về vấn đề Xyri. Tuy nhiên, họ kêu gọi các bên ở Xyri cho phép chuyên gia Liên hợp quốc vào điều tra về các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học, đồng thời bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về mối đe dọa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong hàng ngũ quân nổi dậy.
Theo các nhà phân tích, mặc dù Mỹ và Nga đều nhất trí cần một giải pháp chính trị cho vấn đề Xyri, song dường như giữa hai nước vẫn còn nhiều "tảng băng" cần phá vỡ để đạt được một sự đồng thuận hoàn toàn về cuộc khủng hoảng tại Xyri. Hai bên vẫn bất đồng sâu sắc về cách thức chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài ở quốc gia Trung Đông này. Trong khi Oasinhtơn công khai sẵn sàng trang bị vũ khí cho lực lượng đối lập tại Xyri, Mátxcơva bác bỏ hành động này, và tuyên bố "sẽ cung cấp vũ khí cho một chính quyền hợp pháp, tuân theo những hợp đồng hợp pháp".
Và một kết thúc “chung chung”
Liên quan đến cuộc chiến chống trốn thuế và gian lận thuế, các nhà lãnh đạo G8 đã nhất trí áp dụng nhiều biện pháp mới, trong đó có việc chia sẻ thông tin về việc nộp thuế của người dân cũng như yêu cầu các công ty đa quốc gia phải báo cáo đầy đủ với các cơ quan thuế vụ về các loại thuế và nơi mà các công ty này đóng thuế. Thông cáo chung của hội nghị kêu gọi các nước bỏ các quy định cho phép các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang nước khác nhằm trốn thuế hoặc chỉ phải đóng mức thuế thấp hơn.
Điểm sáng duy nhất tại Hội nghị G8 lần này có lẽ là việc Liên minh châu Âu và Mỹ nhất trí khởi động tiến trình đàm phán về Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP), được Thủ tướng Cameron đánh giá là "hiệp định thương mại song phương lớn nhất trong lịch sử”.
Nhiều chuyên gia nhận định tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh G8 lần này "không đem lại điều gì mới" và điều mới có chăng chính là lập trường vững chắc và mang tính chiến lược của Nga về vấn đề Xyri. Rajaa al-Nasser, thành viên Cơ quan Điều phối Quốc gia Xyri, cho rằng hội nghị thượng đỉnh G8 lần này cũng thiếu những ý tưởng "mạnh mẽ và khả thi" để giải quyết cuộc khủng hoảng Xyri bằng các biện pháp chính trị. Ông nói thêm rằng tuyên bố cuối cùng của hội nghị lần này toàn "những điều chung chung".
Lê Hoàng (tổng hợp)