Nhắc tên Trung tá, Bí thư Đảng ủy xã Đức Hạnh Lê Bá Hùng, đồng bào Mông, Lô Lô, Nùng dưới chân núi Phjia Dạ ai cũng biết. Vì từ làm đường, hỗ trợ giống cây trồng, làm nhà cho hộ nghèo, hướng dẫn bà con cách làm ăn…, Bí thư đều lo lắng giải quyết công việc.Bí thư còn nói được cả tiếng Mông, Nùng, Tày rất giỏi nên được bà con ưng cái bụng. Bí thư Hùng tâm sự: “Đức Hạnh khổ lắm, làm được việc gì cho đồng bào đỡ khổ thì mình mới bớt khổ tâm”.
Hơn 20 năm gắn bó với vùng khóHơn 15 năm trước, xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) dường như biệt lập với thế giới bên ngoài. Ai đến được Đức Hạnh lên Chè Lỳ A, Chè Lỳ B hay Lũng Mần có thể ví đạt kỳ tích như chinh phục đỉnh Phan Xi Păng (Lào Cai). Vì chặng đường thị trấn Bảo Lạc - xã Cốc Pàng (Bảo Lạc) - Đức Hạnh (Bảo Lâm) hơn 40 km đường núi dốc cao, vực thẳm hun hút, chỉ đi bằng đôi chân và lưng ngựa thồ.
Từ xã Đức Hạnh đi đến bản xa 10 - 20 km, đường núi cheo leo trên vách đá nên trẻ con, người già chưa nhìn thấy xe ô tô, bóng điện…
Bí thư Đảng ủy xã Đức Hạnh (Bảo Lâm, Cao Bằng) chủ trì cuộc họp giao ban đánh giá hoạt động giữa các tổ chức đoàn thể nhân dân. Ảnh: baocaobang.vn |
Ngày đó (năm 1989), Lê Bá Hùng là chàng trai trẻ mới rời Trường Trung cấp Biên phòng I chưa từng “nếm cái khổ núi đá”. Đến Đồn Biên phòng Cốc Pàng - Tổ công tác Biên phòng Đức Hạnh nhận nhiệm vụ, anh phải đi bộ đường rừng mấy ngày, sưng tấy chân mới đến nơi.
Anh kể, làm nhiệm vụ vận động quần chúng, đi bộ 1 tháng đường rừng mới hết 18 bản. Cứ thế từ 1 tháng đến 1 năm và nhiều năm, đôi chân anh quen với băng rừng. Dân trí ở đây thấp, nặng nề luật tục, còn cán bộ xã trình độ lớp 5, chưa qua đào tạo. Cả "núi" khó đặt ra cho anh.
Để giải quyết khó khăn, anh Hùng đã học tiếng Mông, Tày, Nùng nhằm gỡ bỏ rào cản bất đồng ngôn ngữ. Theo đó, anh sống hòa nhập, gần gũi với dân bản, vì vậy anh nhanh chóng thông thạo mấy thứ tiếng địa phương và có thể trò chuyện với người già, thanh niên, trẻ nhỏ… hiểu cái khổ, khó của bà con.
Anh vận động đồng bào đoàn kết, giúp hộ đặc biệt khó khăn làm nương, cấy lúa, sửa lại nhà, hòa giải mâu thuẫn, mở đường cho trẻ con đi dễ hơn; vận động bà con chăm sóc nương rẫy tốt, canh tác lâu dài, hạn chế chặt phá rừng mới làm nương rẫy. Ngoài ra, anh còn bồi dưỡng, tạo nguồn đảng viên tại những bản đặc biệt khó khăn, trở thành nhân tố tích cực vận động dân bản xây dựng nếp sống mới…
Nói đến bộ đội Hùng, Trưởng bản Sần A Giàng, ở Chè Lỳ A tấm tắc khen: Bụng dân bản tao ưng Lê Bá Hùng lắm. Hùng quê Nghệ An xa tít nhưng không chê bản Mông nghèo khó, xa xôi lên đây bảo dân bản chăm bón đất nương rẫy tốt để trồng ngô lâu dài, làm nhà to kiên cố; cứ đi hết núi này sang núi khác làm nương khổ lắm vì rừng chặt hết rồi, không có nhà mà ở…
Gian nan tìm đường thoát nghèo cho bà conNhận nhiệm vụ giữ chức danh Phó Bí thư, rồi Bí thư Đảng ủy xã, việc cấp thiết đầu tiên, Lê Bá Hùng tham mưu chuẩn hóa, trẻ hóa đội ngũ cán bộ xã nhưng gặp không ít rào cản. Đồng chí Dương Văn Ngấn, người duy nhất đủ tiêu chuẩn giữ lại để đào tạo, chuẩn hóa lên Chủ tịch xã tâm sự: Trước đây, nhiều cán bộ xã không đủ năng lực, trình độ, quan liêu nhưng cố vị, bảo thủ tới mức căng thẳng. Bí thư Hùng đã khéo léo phân tích, thuyết phục và vận dụng chính sách linh hoạt về công tác cán bộ nên giải quyết không xảy ra mâu thuẫn, mất đoàn kết.
Từ năm 2006 đến nay, cán bộ xã được trẻ hóa, chuẩn hóa, 97% có trình độ trung cấp, đại học, tuổi đời từ 20 - 30 - 45 năng động, nhiệt tình với công việc. Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, công tác phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ được chú trọng. Hiện xã có 19 chi bộ, 140 đảng viên.
Từ những đổi mới trọng tâm trên, cán bộ xã đảm trách triển khai nhiệm vụ, đảng viên hỗ trợ công việc từ cơ sở. Xã tiếp cận, triển khai nguồn vốn từ các Chương trình Mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế... Bà con được hưởng chế độ, chính sách nhận tiền, gạo cứu đói, bảo hiểm y tế… Từ nguồn vốn các chương trình 135, 134, 120, 30a… hàng tỷ đồng, xã tham mưu và làm chủ đầu tư triển khai xây cầu, làm nhà, xây dựng công trình nước sinh hoạt, mở đường to trườn qua núi cao tới bản làng…
Theo Bí thư Hùng, để giữ chân đồng bào định cư, phải hỗ trợ làm nhà kiên cố, mở lớp học tại bản, làm đường, xây dựng công trình nước sạch... Anh Dương Văn Ngán, Trưởng bản Cà Pẻn B tâm sự: Tám năm qua, người Lô Lô yên tâm định cư vì được hỗ trợ làm nhà, có đường to dễ đi, trẻ con được học gần bản… nếu bỏ đi chỗ khác thì mất tất cả.
Gần 10 năm qua, những gì Bí thư Hùng và đội ngũ cán bộ mới, tiên phong của xã làm được là bước đầu gỡ khó cho bản làng. Bí thư Đảng ủy xã Lê Bá Hùng chia sẻ: Từ năm 2013, xã triển khai mô hình kinh tế rừng: sa mộc + hồi + sắn. Theo tính toán của anh, cây hồi, sa mộc cho thu nhập cao, phù hợp phát triển rừng tái sinh, trồng trên đất nương rẫy bạc màu. Trong khi chờ 5 - 8 năm, để thu hoạch cây sa mộc, cây hồi được trồng xen canh cây sắn ngắn ngày nhằm có thu nhập. Đến nay, xã đã trồng được trên 200 ha. Cả 3 loại cây trồng này có đầu ra ổn định.
Dự kiến mô hình này sẽ là chủ lực phát triển kinh tế của xã. Bài toán gỡ “núi khổ” cho đồng bào là tâm huyết hơn nửa đời người của anh mới bắt đầu lan tỏa trên dải đất biên cương. Anh hy vọng màu xanh của rừng sẽ làm đổi đời đồng bào sống trong khô, khát, khó, khổ nơi đây.
Trường Hà