Thỏa thuận quốc tế ngành hàng không qui định trách nhiệm bồi thường của một hãng hàng không ở mức 157.400 USD đối với mỗi hành khách thiệt mạng, nhưng các chuyên gia luật cho rằng trường hợp của máy bay của Germanwings rơi hôm 24/3 vừa qua có khả năng vượt con số này do hành động chủ ý phá hủy máy bay của cơ phó.
Đối với mỗi hành khách thiệt mạng trong tai nạn hàng không, hãng hàng không phải bồi thường 157.400 USD nếu gia đình hành khách không khởi kiện, nhưng nếu họ muốn đòi bồi thường nhiều hơn cho những tổn thất lớn hơn, họ có thể đệ đơn kiện.
Viên cơ phó Andreas Lubitz chủ ý điều khiển máy bay lao xuống sườn núi Alps. Ảnh: DM
|
Theo một số luật sư đại diện cho gia đình nạn nhân trong vụ máy bay của Germanwings rơi xuống dãy Alps, các đơn kiện có thể tập trung vào việc liệu Germanwings có điều tra lý lịch của viên cơ phó đích đáng trước và trong khi làm việc hay không, và liệu hãng này có chính sách yêu cầu 2 hoặc nhiều phi công hơn ở trong buồng lái trong suốt thời gian bay hay không.
Justin Green, thành viên hãng luật Kreindler & Kreindler ở New York, cho hay gia đình nạn nhân có quyền đặt câu hỏi tại sao Andreas Lubitz, cơ phó 28 tuổi, được phép ở một mình trong buồng lái.
Theo luật hàng không Đức, phi công có thể tạm thời rời buồng lái ở một số thời điểm và một số tình huống nhất định, ví dụ như khi máy bay bay đạt độ cao ở tốc độ tiết kiệm xăng nhất (cruising). Nhắc lại vụ việc phi công chủ ý cho máy bay rơi trong tai nạn của SilkAir năm 1997 và của hãng hàng không Ai Cập năm 1999, ông Green nhấn mạnh rằng “việc phi công sát hại toàn bộ hành khách và tự sát là điều đã xảy ra và ai cũng biết”.
Cơ phó Lubitz ngồi trong khoang lái khi cố tình điều khiển chiếc máy bay lao xuống sườn dãy Alps. Ảnh: Dailymail
|
Phản hồi về vấn đề này, Giám đốc điều hành Lufthansa Carsten Spohr khẳng định hãng sẽ tuân theo các thỏa thuận quốc tế về khoản bồi thường: “Thành thực mà nói, đó là một trong những điều tôi ít lo ngại. Chúng tôi sẽ đáp ứng yêu cầu bồi thường. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là giúp đỡ được gia đình các nạn nhân”.
Theo như Công ước Montreal năm 1999, mức bồi thường cho mỗi nạn nhân thiệt mạng là 157.400 USD sẽ khiến Germanwings phải bồi thường tổng cộng 22,7 triệu USD cho thân nhân của 144 hành khách thiệt mạng. Tuy nhiên, ông Bruce Ottley, đồng giám đốc Học viện luật hàng không quốc tế tại Đại học luật DePaul, cho rằng khả năng phải trả bồi thường vượt 22,7 triệu USD đối với Germanwings chỉ xảy ra khi có bằng chứng rằng hãng này biết trước về hành động của viên cơ phó.
H.N (Theo The Guardian)