Lên vùng rừng đá Hà Giang thấy ở đâu có đất là ở đó có gieo trồng, không trồng ngô thì trồng cỏ. Cỏ trồng ven đường, cỏ trồng chân núi, trên mọi nẻo đường thôn bản. Rừng đá không có cỏ thì dân phải trồng cỏ để nuôi trâu bò. Toàn huyện Đồng Văn có 19.000 con bò được “nuôi trên lưng”. Thấy chúng tôi lạ lẫm với khái niệm này, ông Phó Chủ tịch huyện Đồng Văn Nguyễn Đức Tính mới bảo, rằng ở Đồng Văn không có cỏ, dân phải trồng cỏ nuôi bò, hàng ngày đi làm về gùi một bó cỏ trên lưng mang về cho bò ăn. Rồi cũng không có nước, dân lại phải đi xa gùi nước về cho bò uống; tất tật nhu cầu của con bò đều phải gùi trên lưng nên mới nói là “nuôi bò trên lưng”.
Một trong những hồ treo bước đầu giải “cơn khát” cho rừng đá Đồng Văn. Ảnh: Viết Tôn |
Để ý trên những con đường mòn về bản mỗi chiều, những người Mông, từ người già đến các em thiếu nhi, sau khi đi nương rẫy về hầu hết mọi người đều gùi trên lưng, không cỏ cho bò thì là củi, là nước. Từng bước đi chậm rãi mà chắc chắc ngỡ như họ có thể gùi được cả trái núi trên lưng vậy. Hai tay luôn xe sợi lanh, suốt cả ngày lên rẫy, đi về nhà những người Mông không lúc nào được nghỉ chân, rỗi tay.
- Cỏ còn có thể trồng nhưng nước với vùng cao nguyên đá là sống còn - Bí thư Đảng ủy xã Sà Phìn, ông Sùng Phà Say nói: - Để có nước dùng có gia đình phải đi bộ 3 - 4 tiếng đồng hồ để gùi nước. Một ngày gùi 20 lít nước cho một gia đình 4 - 5 người thì chỉ người dùng cũng không đủ, lấy nước đâu để chăn nuôi. Phó Bí thư Đảng ủy xã Đào Văn Luân cho biết thêm: Vào mùa khô ngay trung tâm xã cũng không có nước, càng lên vùng cao, vào vùng sâu nước càng thiếu, có lúc một can nước 20 lít phải mua giá 20 ngàn đồng. Nhưng dân thì lấy tiền đâu mà mua nước cho nên họ tiết kiệm từng giọt theo đúng nghĩa của từ này. Nước được dùng qua 4 - 5 lần, mỗi lần là một chức năng, lần thải cuối cùng là cho trâu bò uống.
- Vì thế, ở vùng cao nguyên đá này tắm là một chuyện xa xỉ - Đào Văn Luân hài hước.
- Vậy thì bao lâu tắm một lần?
- Một tháng hoặc vài tháng là chuyện thường.
- Lo nhất cho dân hiện nay là nước sinh hoạt - Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Nguyễn Đức Tính bày tỏ.
Lên Đồng Văn thi thoảng ta lại bắt gặp một hồ nước trong xanh, nhìn xa giống như những bể bơi hiện đại được xây dựng trên lưng chừng núi. Đó là những hồ treo được nhà nước đầu tư xây dựng để chứa nước mặt cho dân dùng trong sinh hoạt.
Trong hàng ngàn dự án nhà nước đầu tư thì những hồ treo này là dự án được dân trông chờ bởi khi đem nguồn nước về cho dân cũng có nghĩa như tiếp thêm sức sống cho vùng cao nguyên đá - Một kỹ sư xây dựng hồ treo nói.
Tuy nhiên, việc xây dựng các hồ treo ở vùng cao nguyên đá là một kỳ công. Kỳ công trong thiết kế, vận chuyển vật tư và xây dựng... nếu không tính toán giỏi thì chỉ vài năm mưa gió và biến động địa chất những hồ này không còn nước. Đã có một hồ treo nhỏ ở xã Sà Phìn làm từ năm 1994 không còn nước do bị rò rỉ. Đến tham quan một hồ treo chứa nước sinh hoạt ở xóm Phố Là A, xã Phố Là vừa hoàn thành, có dung tích 4.000 m3 nước với mức đầu tư gần 18 tỷ đồng chúng tôi thấy chưa có nhiều người dân đến lấy nước, lý do là rừng đá mùa này vẫn còn mưa. Nhưng hồ nước đã được thau rửa sạch và tích nước, xung quanh hồ là hàng rào lưới sắt đảm bảo an toàn cho người dân. Để tiện cho dân lấy nước mà không làm mất vệ sinh, công trình đã xây một bể chứa ven lộ để bơm nước lên, đồng thời xã cử cán bộ quản lý hướng dẫn dân khi lấy nước, giặt giũ đều được chuyển ra xa không cho nước bẩn chảy ngược vào hồ, phải theo dõi mực nước hồ, vớt váng rêu đảm bảo hồ nước luôn trong xanh.
Vì thế hồ treo không chỉ là nguồn nước sinh hoạt của dân mà ở nhiều nơi còn như một thắng cảnh. Riêng tại Đồng Văn, với chương trình xây dựng hồ chứa nước cho 4 huyện vùng cao phía bắc Hà Giang, từ năm 2007 đã có 28 hồ nước có dung tích từ 2.000 – 8.200 m3 đã và đang được xây dựng; riêng năm 2011 đã khởi công 10 dự án với mức đầu tư hơn 136 tỷ đồng. Tuy nhiên với số lượng hồ treo xây dựng được cho Đồng Văn nói riêng và vùng cao nguyên đá mới chỉ là sự giải khát cho một vùng rất nhỏ. Riêng tại xã Sà Phìn, để đảm bảo cho dân có nước sinh hoạt mà không phải đi bộ 4 tiếng đồng hồ gùi nước thì cần xây thêm 10 hồ nữa cho mỗi bản một hồ; mỗi hồ có dung tích trung bình 3.500 m3 cần đầu tư khoảng 15 tỷ đồng. Như vậy, để đảm bảo nước sinh hoạt cho dân, mỗi xã vùng cao nguyên đá Hà Giang cần gần 200 tỷ đồng. Nếu tính cả vùng cao nguyên đá thì nhu cầu cần cả ngàn hồ treo; và như vậy mức đầu tư tới hàng mấy chục ngàn tỷ đồng cho nước sinh hoạt chứ chưa nói gì đến nước sản xuất.
Nhìn lại lịch sử muôn đời nay trên vùng rừng đá, người dân đã có lối sống thích nghi với sự thiếu nước bằng cách hạn chế dần những nhu cầu sinh hoạt của con người đến mức tối thiểu, họ biết chắt chiu và sử dụng những giọt nước sao cho hữu ích nhất. Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng ngày một đòi hỏi cao hơn. Đối với vùng cao nguyên đá Hà Giang, có thể nói, nhu cầu đòi hỏi được nhiều hơn đầu tiên là nước. Bởi có nước thì không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống, làm cho cuộc sống văn minh hơn mà còn tạo đà cho sản xuất phát triển. Một ví dụ điển hình về một chủ trương chiến lược của tỉnh, như Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh nói: “Lấy công viên địa chất toàn cầu làm cái gốc để phát triển du lịch”. Nhưng chắc chắn du khách không thể thích nghi với cuộc sống thiếu nước sinh hoạt không chỉ với bản thân họ mà với cả người dân địa phương khi du khách có nhu cầu giao lưu, tiếp xúc.
Tuy nhiên, nước là vấn đề của ngàn năm trên vùng rừng đá, nên dù nhà nước có đầu tư lớn đến đâu cũng không phải vấn đề giải quyết trong một vài năm.
Quang Vinh – Viết Tôn
Bài cuối: Mái ấm nơi biên cương