Cơ sở khai thác dầu tại đảo Khark của Iran ở ngoài khơi vùng Vịnh ngày 23/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong phiên giao dịch ngày 15/4, giá dầu đi lên tại thị trường châu Á, sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tiên đoán rằng tình trạng dôi dư nguồn cung dầu mỏ trên toàn cầu sẽ dịu xuống vào cuối năm nay. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu vẫn còn hạn chế do thị trường vẫn thận trọng trước thềm cuộc họp giữa các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt tại Doha vào cuối tuần này.
Vào lúc 13 giờ 30 phút giờ Việt Nam (tức 6 giờ 30 phút giờ GMT), tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 5/2016 tăng 19 xu Mỹ, lên 41,69 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6/2016 cũng tiến 16 xu, lên 44 USD/thùng.
Theo báo cáo mới nhất của IEA, lượng dầu dư thừa trên toàn cầu sẽ giảm mạnh vào nửa cuối năm nay, từ mức 1,5 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, cơ quan có trụ sở tại Paris này cho rằng dù cho các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt có đưa ra bất kỳ quyết định nào nhằm "đóng băng" sản lượng tại cuộc họp Doha ngày 17/4 tới thì tác động của nó tới thị trường năng lượng sẽ là hạn chế so với quyết định cắt giảm sản lượng.
Trong khi đó, đà tăng của giá dầu trong phiên này vẫn chịu sức ép bởi báo cáo cùng ngày từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy dự trữ dầu của nước này trong tuần trước (kết thúc ngày 8/4) đã tăng mạnh hơn dự kiến, báo hiệu nhu cầu tiêu thụ tại quốc gia này đang có xu hướng yếu đi.
Giá dầu đã mất khoảng 1/3 giá trị và có lúc phá thủng "đáy" 30 USD/thùng trong thời gian từ giữa năm 2014 tới tháng Hai năm nay. Dù vậy, mặt hàng này đã lấy lại đà phục hồi trong thời gian gần đây nhờ hy vọng vào một thỏa thuận "đóng băng" sản lượng tại Doha, bất chấp việc Iran tuyên bố sẽ không tham gia thỏa thuận này.
* Chứng khoán châu Á để tuột mất động lực tăngSau khi liên tục đi lên trong tuần, thị trường chứng khoán châu Á đã "lùi bước" trong phiên giao dịch ngày 15/4, khi Trung Quốc công bố báo cáo đáng thất vọng về tăng trưởng trong quý I/2016 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong khi đó, giới đầu tư Nhật Bản cũng trở nên thận trọng sau khi xảy ra trận động đất mạnh 6,5 độ Richter tại tỉnh Kumamoto (Nhật Bản) vào đêm trước, làm chín người thiệt mạng và khoảng 1.000 người bị thương, đồng thời buộc một loạt nhà máy của nhiều công ty lớn phải đóng cửa tạm thời.
Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản mất 63,02 điểm (0,37%), xuống 16.848,03 điểm. Tuy nhiên, tính chung cả tuần qua, chỉ số này vẫn tăng 6,49%. Giá cổ phiếu của các doanh nghiệp và nhà sản xuất lớn như Sony, Honda Motor và Bridgestone đều sụt giảm sau khi tin tức nói rằng vụ động đất đã
khiến các cơ sở sản xuất của họ tại tỉnh Kumamoto phải tạm ngừng hoạt động. Tại Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng lùi 0,1%.
Tại Trung Quốc, "sắc đỏ" cũng bao phủ hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong, do xu hướng bán tháo chốt lời được đẩy mạnh sau vài phiên tăng điểm gần đây và báo cáo mới nhất từ Chính phủ Trung Quốc cho hay kinh tế nước này tiếp tục tăng chững lại trong quý I/2016 và chỉ đạt 6,7%. Đây là mức tăng trưởng hàng quý thấp nhất trong vòng 7 năm qua, mặc dù chỉ số tăng trưởng trong tháng Ba có cải thiện. Khép lại phiên cuối tuần này, chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt hạ 21,34 điểm (0,10%) và 4,24 điểm (0,14%), đóng cửa ở mức 21.316,47 điểm và 3.078,12 điểm.
Dù vậy, biên độ giảm của các chỉ số chứng khoán châu Á trong phiên này lại khá hẹp, nhờ các báo cáo khác lạc quan hơn từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cụ thể, theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), trong quý I vừa qua, đầu tư vào tài sản cố định của nước này tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức tăng 10,2% của hai tháng đầu năm. Đầu tư vào bất động sản cũng tăng 6,2%, số nhà xây mới và doanh số bán nhà đều tăng, sản lượng công nghiệp của 3 tháng đầu năm nay cũng tăng khá và doanh số bán lẻ tăng 10,5%, vượt dự báo của các nhà phân tích.
Mở cửa phiên 15/4 tại châu Âu, các chỉ số chứng khoán lớn cũng "đổ dốc" sau khi chứng kiến đà tăng mạnh hồi đầu tuần. Tại London, chỉ số FTSE 100 giảm 0,1%, xuống 6.357,72 điểm. Tại Paris, chỉ số CAC 40 mất 0,2%, xuống 4.511,51 điểm. Trong khi tại thị trường Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 lùi 0,3%, xuống 10.063,89 điểm.