Giá dầu tụt dốc, OPEC vẫn giữ nguyên sản lượng

Quyết định giữ nguyên sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã khiến giá dầu thế giới ngày 28/11 tụt dốc mạnh, có lúc xuống tới mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Tại Tokyo, giá dầu Brent giảm xuống còn 72,82 USD/thùng. Mức đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/11 này thấp nhất trong 4 năm qua. Giá dầu thô ngọt nhẹ giảm 6,9%, còn ,59 USD/thùng. Không chỉ giảm sau khi OPEC thông báo quyết định, giá dầu đã giảm trong suốt tuần trước cuộc họp của OPEC trong bối cảnh các nhà phân tích đều dự báo tổ chức này không thay đổi sản lượng dầu đưa ra thị trường. Thị trường dầu Mỹ đóng cửa ngày 27/11 để nghỉ lễ Tạ ơn.

OPEC họp báo sau cuộc họp tại Vienna ngày 27/11. Ảnh: AFP


Phản ứng mạnh của thị trường dầu thế giới diễn ra sau phiên họp quan trọng của OPEC ngày 27/11 ở Vienna, Áo. Trong tuyên bố chung sau cuộc họp, 12 nước thành viên OPEC đã giữ nguyên sản lượng 30 triệu thùng/ngày như trong suốt ba năm qua, cho dù giá dầu đã giảm 35% kể từ tháng 6. Phát biểu trước cuộc họp báo, Tổng thư ký OPEC Abdullah El-Badri nói: “Chúng ta phải đợi và xem thị trường sẽ ổn định như thế nào. Như tôi đã nói nhiều lần, chúng tôi không muốn hoảng sợ”.

Cả trước và sau cuộc họp, OPEC luôn đối mặt với sức ép từ các thành viên nghèo như Venezuela và Ecuador muốn giảm sản lượng để đẩy giá dầu lên. Theo tính toán của các chuyên gia, giá dầu phải trên 100 USD/thùng mới đủ để cho các nước này cân bằng ngân sách quốc gia. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố ông sẽ tiếp tục thúc đẩy OPEC cắt giảm sản lượng dầu để chặn đà giá giảm. Ông nói: “Chúng tôi chưa thành công nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng cho đến khi giá dầu quay trở lại mức vốn có, khoảng 100 USD/thùng”. Là nước có trữ lượng dầu được chứng minh lớn nhất thế giới, ngân khố quốc gia Venezuela phụ thuộc phần lớn vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô.

Tuy nhiên, các thành viên giàu và có ảnh hưởng lớn trong OPEC như các nước Vùng Vịnh bác bỏ lời kêu gọi này vì sợ mất thị phần trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ - nước mà nguồn dầu từ đá phiến rẻ hơn đã khiến nguồn cung dầu vượt quá mức cầu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế gần đây đã cảnh báo rằng giá dầu sẽ tiếp tục giảm trong năm 2015. Giá dầu giảm đã khiến người ta lo ngại về mối đe dọa giảm phát với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là khu vực sử dụng đồng euro. Giảm phát có thể châm ngòi cho một vòng xoáy nguy hiểm khi các doanh nghiệp và hộ gia đình trì hoãn mua sắm, bóp nghẹt sức cầu và khiến các công ty phải sa thải công nhân.

Ngoài giá dầu, giá các loại cổ phiếu và đồng tiền liên quan đến dầu đều giảm. Cụ thể, giá cổ phiếu của các công ty năng lượng như Sundance Energy, Drillsearch hay Santos trên thị trường chứng khoán Austrlaia đều giảm 10 đến 16%. Cổ phiếu của tập đoàn dầu Total, Seadrill hay Saipem trên thị trường châu Âu ngày 28/11 cũng giảm hơn 3% giá trị. Đồng ruble của Nga - nước xuất khẩu nhiều dầu và khí đốt - tiếp tục giảm mạnh so với đồng USD.

Thùy Dương

Giá dầu thô có thể xuống còn 60 USD/thùng
Giá dầu thô có thể xuống còn 60 USD/thùng

Ngày 28/11, giá dầu mỏ vẫn tiếp tục “trượt dài” trên thị trường châu Á sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định không cắt giảm sản lượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN