Kbang là một trong những huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai, với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm gần 40%, trong đó số hộ nghèo chiếm tới hơn 67%. Để giúp đồng bào dân tộc tại chỗ vươn lên thoát nghèo, từ năm 2010 đến nay, huyện đã tích cực triển khai rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó có chính sách hợp lý hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, triển khai xây dựng những cánh đồng lúa mẫu năng suất cao.
Trung tâm huyện Kbang. Ảnh: dangcongsan.vn |
Để ổn định nơi ở cho các hộ nghèo, huyện cũng đã xây dựng gần 700 căn nhà thông qua Chương trình 167, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho hơn 4.300 hộ gia đình vay vốn phát triển sản xuất, với tổng số tiền lên đến gần 32 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến nay đã có hơn 1.800 hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững. Chỉ tính riêng trong năm 2012 đã có tới 914 hộ thoát nghèo trong tổng số 7.622 hộ nghèo trên toàn địa bàn.
Theo ông Nông Minh Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tơ Tung, việc giảm nghèo bền vững đang là mối thách thức lớn đối với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ yếu sinh sống trên vùng đất có điều kiện tự nhiên khó khăn, khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết khí hậu..., do đó để thúc đẩy phát triển kinh tế hộ tiến tới thoát nghèo bền vững, bên cạnh đa dạng hóa các nguồn vốn huy động, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giảm nghèo, sâu rộng đến các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm làm chuyển biến nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của đồng bào là việc làm hết sức cần thiết.
Từ năm 2010 trở về trước, cuộc sống gia đình anh Đinh Biết, ở làng Ta Kơ, xã Sơ Pai, rất khó khăn. Sống giữa núi rừng bạt ngàn, nhưng gia đình anh chỉ sinh hoạt trong ngôi nhà ván tạm bợ, đất sản xuất không có, phải chạy vạy từng bữa ăn. Năm 2011, được Nhà nước hỗ trợ xây cho căn nhà trị giá 25 triệu đồng và một con bò giống trị giá hơn 4 triệu đồng. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn tạo điều kiện cấp cho gia đình anh hơn 1,5 ha đất sản xuất. Có nhà ở ổn định, có đất sản xuất, vợ chồng anh tập trung đầu tư trồng cà phê cùng với xen canh cây mỳ, rau xanh nên cuộc sống dần ổn định. Anh Biết vui mừng cho biết: “So với những năm trước thì đời sống của gia đình mình bây giờ khá hơn nhiều. Cũng nhờ đó, con của mình được đi học, bây giờ đã học lớp 8, lớp 9 rồi. Trong thời gian tới, gia đình mình sẽ tiếp tục phấn đấu làm cà phê để phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc”.
Gia đình chị Siu Thị Giang, ở làng Đê Ô, xã Kon Lơng Khương trước đây cũng thuộc hộ rất nghèo. Dù có tới 4 ha mía, nhưng không có người thu mua nên gia đình chỉ biết để mặc mía mọc như rừng. Kể từ năm 2000, Nhà máy đường An Khê được xây dựng và ký kết hợp đồng hỗ trợ về giống cũng như bao tiêu sản phẩm nên chị Giang rất phấn khởi. Không dừng lại ở 4 ha, chị đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư mua thêm đất để mở rộng diện tích.
Tính đến nay, gia đình chị Giang đã có đến 10 ha đất trồng mía ổn định. Với diện tích mía hiện có, từ năm 2007 đến nay, năm nào gia đình chị cũng thu được hơn 400 triệu đồng. Có tiền, chị xây nhà mới khang trang trị giá hàng trăm triệu đồng, mua sắm đầy đủ các vật dụng phục vụ sinh hoạt hàng ngày và sản xuất như: tủ lạnh, ti vi, xe máy, máy cày và cả công nông... Khi gia đình đã có của ăn, của để, với tinh thần tương thân tương ái, chị Giang luôn tạo điều kiện cho người dân trong làng vay vốn, đồng thời tư vấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc mía để họ cùng vươn lên thoát nghèo như mình.
Chị Giang hồ hởi cho biết: “Hồi xưa trồng mía không biết bán cho ai nên kinh tế gia đình khó khăn lắm. Bây giờ có nhà máy đường đầu tư rồi nên mình cố gắng đầu tư phát triển sản xuất nâng thu nhập gia đình ổn định cuộc sống. Mình mong muốn dân làng mình cùng trồng mía, chịu khó làm ăn để ổn định thu nhập, từng bước thoát nghèo”.
Bà H’Ngân, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết: Trong năm nay huyện sẽ phấn đấu giảm số hộ nghèo từ 5 - 6%. Để đạt được tiêu chí này, hiện nay huyện đang nỗ lực đầu tư có trọng điểm thông qua lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là các Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình 135 giai đoạn II... Đối với những xã đặc biệt khó khăn thì gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình khuyến nông phù hợp với điều kiện từng địa bàn cùng với chương trình hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm đối với những hộ nghèo, cận nghèo, tạo điều kiện cho những hộ này thoát nghèo bền vững.
Nguyễn Hoài Nam