Gia Lai là một tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc Tây Nguyên có hơn 1,3 triệu người, trong đó hơn 45% số dân là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là 2 dân tộc Bahnar và J'rai. Xuất phát điểm với mặt bằng dân trí thấp, trên địa bàn còn nhiều khó khăn, cách trở... đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với ông K'Păh Thuyên - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới tỉnh Gia Lai xung quanh vấn đề làm thế nào để Gia Lai vượt qua khó khăn, thực hiện tốt việc xây dựng nông thôn mới.
´Xin ông cho biết những khó khăn và vướng mắc của tỉnh Gia Lai trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới?
Sau 2 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bước đầu tỉnh Gia Lai đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành việc rà soát, đánh giá thực trạng của từng xã. Toàn tỉnh có 88/185 xã mới đạt từ 1- 2 tiêu chí, 74 xã mới đạt từ 3 - 5 tiêu chí, 13 xã đạt từ 6 - 10 tiêu chí và 4 xã đạt 11 - 16 tiêu chí. Còn 6 xã thuộc các huyện Phú Thiện, Chư Sê và Chưprông thì vẫn chưa đạt tiêu chí nào.
Khai thác mủ cao su ở xã IaDơk, huyện Đức Cơ (Gia Lai). |
Trước mắt, vẫn còn nhiều khó khăn phải giải quyết. Đó là công tác huy động nguồn lực toàn xã hội chưa được triển khai đầy đủ, một bộ phận cán bộ và nhân dân vẫn lầm tưởng chương trình xây dựng nông thôn mới là một dự án đầu tư nên chỉ biết trông chờ vào nguồn vốn đầu tư của Chính phủ. Công tác quy hoạch vẫn còn chậm chạp, chủ yếu là do năng lực của cán bộ xã còn hạn chế, bản chất nông dân lại e ngại và nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên còn gặp nhiều lúng túng trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị tư vấn thực hiện quy hoạch cùng lúc ở địa bàn trên nhiều xã nên chưa sâu sát cơ sở, công tác khảo sát và lấy ý kiến của nhân dân còn hạn chế, các đồ án quy hoạch lại giống nhau và không mang tính đặc thù của từng xã. Công tác đào tạo, tập huấn chưa đạt hiệu quả cao, một phần do giáo trình nông thôn mới chưa được chuẩn hóa, nhưng điều chính yếu là một số cán bộ tham gia tập huấn chưa thật sự tâm huyết với chương trình và chưa đúng đối tượng.
´Khó khăn còn rất nhiều, vậy xin ông cho biết những giải pháp tháo gỡ để thực hiện việc xây dựng nông thôn mới được thuận lợi hơn?
Một trong những biện pháp hàng đầu là tập trung vận động và đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về chương trình xây dựng nông thôn mới. Đối với nhân dân ở địa bàn nông thôn, việc quán triệt và nâng cao nhận thức được coi là yếu tố hàng đầu, nhằm tạo sự đồng thuận cao, phát huy có hiệu quả vai trò, trách nhiệm của mình như chủ động tham gia góp ý về quy hoạch, giám sát thực hiện quy hoạch... Trên cơ sở đó, huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mới phải có sự bàn bạc, trao đổi dân chủ và thống nhất cao trong cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Ưu tiên đầu tư những công trình phát huy tác dụng nhanh, thúc đẩy sản xuất phát triển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; các công trình cấp bách về văn hóa - xã hội, an ninh, trật tự ở địa phương. Chú trọng công tác đào tạo nghề lao động ở các vùng nông thôn, đào tạo gắn với giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động bền vững.
Đi đôi với đó là giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu xa. Nhiệm vụ trọng tâm và trước mắt của tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, vận dụng hiệu quả các chính sách về y tế, giáo dục, đào tạo, khuyến nông, hỗ trợ phòng - chống thiên tai, dịch bệnh... Bên cạnh đó, sẽ tăng cường, củng cố lại đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới đủ mạnh, giúp dân làm tốt công tác quy hoạch, quản lý, giám sát chương trình đạt chất lượng và hiệu quả cao.
Với những giải pháp trên được hỗ trợ thực hiện một cách đầy đủ, cùng với quyết tâm của cấp ủy Đảng và sự nỗ lực của nhân dân, tỉnh Gia Lai chắc chắn sẽ thực hiện thành công trong quá trình xây dựng nông thôn mới theo lộ trình đã đề ra. Trước mắt, từ nay đến năm 2015 toàn tỉnh sẽ có 45 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới và tiến tới năm 2000 sẽ đạt 100% số xã.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Văn Thông (thực hiện)