Gia Lai mở rộng tín dụng chính sách đến hộ nghèo

Đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai đạt tổng doanh số cho vay gần 2.800 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ so với đầu năm 2014, chủ yếu là nguồn vốn cân đối từ Trung ương. Có gần 140.000 hộ nghèo chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số được vay vốn để phát triển sản xuất, từng bước ổn định và nâng cao cuộc sống, trong đó có nhiều hộ được vay đến lần 2, lần 3.


Hầu hết các hộ nghèo ở Gia Lai được vay vốn chính sách đều tập trung cho việc trồng trọt và phát triển chăn nuôi đã mang lại hiệu quả rõ nét, góp phần quan trọng trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo ở địa phương; bình quân mỗi năm trong toàn tỉnh có từ 3.500 - 4.000 hộ thoát nghèo mang nhiều yếu tố bền vững. Thông qua nguồn vốn vay, các hộ nghèo trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước nâng cao được ý thức trong cung cách làm ăn mới, biết tận dụng quỹ đất bỏ hoang hoá trước đây đưa vào sản xuất, biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi theo hướng phát triển hàng hoá như trồng các loại cây cao su tiểu điền, cà phê, điều; nuôi bò sinh sản, bò lai... Đã có rất nhiều hộ vươn lên làm giàu từ cách nghĩ, cách làm ăn mới trên cơ sở có tác động của nguồn vốn vay chính sách, bình quân mỗi năm có mức nhập đến trăm triệu đồng. Nhờ vậy, chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh ngày càng được củng cố và nâng cao. Tính đến cuối năm 2014, trong toàn tỉnh có số nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm tỷ lệ 0,45% (12,5 tỷ đồng - là một trong những địa phương có số nợ quá hạn và nợ khoanh thấp nhất so với cả nước nói chung và toàn vùng Tây Nguyên nói riêng).


Hoạt động trên một địa bàn miền núi của tỉnh Gia Lai có tổng số dân hơn 1,3 triệu người, trong đó có đến 45,7% là người dân tộc thiểu số sinh sống trên 1.200 buôn làng, chủ yếu gồm 2 dân tộc chính Bahnar và J'rai. Trong khi đó, trình độ dân trí của hầu hết bà con dân tộc còn ở mức thấp, còn nặng về các tập tục lạc hậu, chưa tiếp cận được nhiều với các tiến bộ kỹ thuật... đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sinh hoạt trong các cộng đồng. Từ thực tế đó, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Gia Lai đã năng động trong công tác tổ chức, tiếp cận đồng vốn vay đến với bà con nhằm từng bước khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng về đất đai, lao động đảm bảo nâng cao mức sống. Chi nhánh Ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương mở rộng mạng lưới cho vay vốn chính sách thông qua các tổ chức uỷ thác hội, đoàn thể đến tận các buôn làng vùng sâu xa. Hiện nay, trong toàn tỉnh có khoảng 3.700 tổ tiết kiệm và vay vốn làm nhiệm vụ uỷ thác với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Gia Lai, thực hiện tốt việc cho vay theo phương thức uỷ thác từng phần gồm nhiều chương trình như cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh - sinh viên, cho vay giải quyết việc làm...


Theo ông Lê Văn Chí - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai, trong 5 năm trở lại đây bình quân mỗi năm đơn vị có tỷ lệ dư nợ tăng 10%, là điều kiện để mở rộng tín dụng đến các hộ nghèo. Hiện nay, hầu hết số hộ nghèo trong toàn tỉnh, nhất là hộ nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều được vay vốn chính sách để phát triển sản xuất, nâng cao cuộc sống. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng ở một số địa phương còn chưa đồng đều, nợ vay còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đây được coi là một trong những tồn tại kéo dài và đơn vị đang tăng cường các giải pháp để khắc phục có kết quả.


Văn Thông

Giảm áp lực giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng
Giảm áp lực giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng

Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu ban hành ngày 7/1/2013, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được triển khai từ ngày 1/6/2013, đến nay đã được phân nửa chặng đường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN