Trong nhiều năm qua, nguồn vốn vay ưu đãi đã và đang phát huy hiệu quả trong việc giúp người nghèo thoát nghèo, là cứu cánh cho nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiếu vốn làm ăn ở tỉnh Gia Lai.
Tuy nhiên, mức vay vốn ưu đãi dành cho người nghèo tại tỉnh Gia Lai hiện rất thấp, mới chỉ đạt khoảng 12 triệu đồng/hộ trong vòng 3 - 5 năm; thậm chí rất nhiều hộ nghèo chưa được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi này. Trong khi đó, nhu cầu của đồng bào dân tộc nghèo về nguồn vốn ưu đãi còn rất lớn.
Xã Ia Mrơn (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) có 825 hộ nghèo, trong tổng số hơn 3.000 hộ dân, chiếm khoảng 27%. Hiện có gần 600 hộ nghèo được vay vốn ưu đãi với mức bình quân 10 triệu đồng/hộ trong vòng 3 đến 5 năm. Vẫn còn hơn 200 hộ nghèo khác có nhu cầu vay vốn nhưng chưa được vay.
Ngay với các hộ nghèo đã được vay vốn, thì khoản tiền vay ít ỏi cũng không giúp họ "tìm đường thoát nghèo" được. Như trường hợp anh Ksor Alú, ở làng Ma Rin 1, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, lập gia đình năm 2006, đến năm 2009 thì tách hộ với 4 nhân khẩu (gồm 2 vợ chồng và 2 đứa con). Ngoài căn nhà sàn chưa đầy 15 m2 và hơn một sào lúa nước của bố mẹ cho, vợ chồng anh không còn tài sản nào khác. Năm 2009, anh được vay 10 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tuy nhiên số tiền này chỉ vừa đủ đề mua chiếc xe máy làm phương tiện đi lại. Hai vợ chồng anh quanh năm phải đi làm thuê để nuôi 2 đứa con nhỏ, kinh tế gia đình rất khó khăn. Anh chia sẻ: "Nếu được vay vốn nhiều hơn, mình sẽ mua bò sinh sản hoặc mua thêm đất để trồng mía, trồng mì (sắn), đi làm thuê may ra chỉ đủ ăn, đó là chưa nói đến những lúc đau ốm".
Còn với gia đình ông Siu Phát, ở làng Ma Rin 3, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, thì cả gia đình trông vào 4 sào đất rẫy mà gia đình ông mua được bằng số tiền 10 triệu tiền vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy nhiên, diện tích đất ít ỏi này cũng không giúp ông có thêm thu nhập là bao, gia đình ông vẫn thuộc diện hộ nghèo. Hàng năm ông trồng sắn trên đất rẫy, nhưng do thiếu vốn nên phải đi mua nợ phân bón của một đại lý trong xã với lãi suất rất cao. Ông Siu Phát chia sẻ, với mức vay như hiện nay rất khó để bà con thoát nghèo, mua được đất rồi, nhưng lại không có tiền đầu tư, mà vay của tư thương thì lãi suất cao quá.