Gia Lai thoát nghèo từ mô hình "Vườn tiêu tình thương"

Ra đời từ năm 2007, mô hình “Vườn tiêu tình thương” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh (Gia Lai) thành lập nhằm hỗ trợ phụ nữ là người đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn, đến nay đã phát huy hiệu quả. Phần lớn các vườn được duy trì sinh trưởng đều đặn, giúp chị em tăng thu nhập, yên tâm tăng gia sản xuất để thoát nghèo.

tBà Rah Lan Hamlươih bên vườn tiêu tình thương do chị em phụ nữ xã Ia Hrú giúp đỡ.

Sau 5 năm thử nghiệm, đến nay Hội LHPN xã Ia Hrú đã hỗ trợ trồng được 5 vườn tiêu tình thương cho 5 chị phụ nữ nghèo của 3 làng: Tao Chor A, Tao Chor B và làng Lũ Rưng với hơn 5.000 dây tiêu giống cho gần 500 trụ tiêu. Để dây tiêu phát triển bền vững, lâu dài, đồng thời tuyên truyền cho chị em không nên chặt phá rừng để lấy trụ trồng tiêu, Hội cũng đã ươm cây trụ sống và phát tận vườn cho từng chị em. Hội LHPN xã còn thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân xã và Khuyến nông của huyện tổ chức các lớp tập huấn về cách trồng, chăm sóc, và cách phòng trừ và trị bệnh cho tiêu. Nhờ đó, mô hình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của chị em và các vườn tiêu được triển khai nhanh chóng.

 

Chị Rah Lan Hamlươih (sinh năm 1962, làng Tao Chor A, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chia sẻ: “Nhà mình có 6 người, cuộc sống chỉ biết trông chờ vào 6 sào mì và vài sào lúa ruộng nên cuộc sống khó khăn lắm. Từ khi được Hội LHPN xã hỗ trợ trồng hơn 70 trụ tiêu và cho thu hoạch nên cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn nhiều, không còn thiếu ăn nhiều như trước nữa. Mỗi năm, vườn tiêu đem về cho gia đình mình từ 10-15 triệu đồng”. Cũng tương tự chị Ra Lan Hamlươih, chị Siu Hđa (sinh năm 1959, làng Tao Chor A, xã Ia Hrú) cũng thoát được cái cảnh thiếu ăn, cuộc sống được cải thiện hơn nhờ vườn tiêu tình thương. Chị Siu Hđa vui mừng chia sẻ: “Gia đình mình được Hội LHPN xã hỗ trợ trồng 150 trụ tiêu. Mới đầu trồng, do chưa nắm rõ kỹ thuật nên dây tiêu phát triển chậm, hay chết, nhưng nhờ chị em trong Hội giúp đỡ cùng các kiến thức học được từ lớp tập huấn nông nghiệp, đến nay vườn tiêu đã lên xanh tốt và cho thu hoạch. Từ ngày có vườn tiêu, gia đình có thêm nguồn thu nên có thêm tiền để nuôi thêm con heo, rồi trồng thêm vài sào lúa ruộng. Nhờ đó mà gia đình tôi dần dần thoát khỏi cái nghèo. Năm ngoái, tôi đã thay được lớp tôn cho mái nhà cũ mục nát trước đó”.


Theo bà Nguyễn Thị Tâm, Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, “mô hình vườn tiêu tình thương được triển khai nhằm giúp đỡ chị em phụ nữ là người đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có được chút vốn để từ đó yên tâm sản xuất, lao động vươn lên thoát nghèo. Đến nay, hầu hết các vườn tiêu đều vào thu hoạch và cho thu nhập tương đối ổn định. Mặc dù chưa hoàn toàn giúp chị em làm giàu nhưng phần nào đã đưa chị em thoát khỏi nghèo đói, ổn định cuộc sống. Sắp tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này để nhiều chị em khó khăn được giúp đỡ hơn nữa, tạo điều kiện cho chị em phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương”.


Mô hình vườn tiêu tình thương do Hội LHPN xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh thực sự là một mô hình giúp các hộ gia đình nghèo, khó khăn phát triển kinh tế, thoát nghèo hiệu quả. Nếu được quan tâm và đầu tư vốn cho chương trình thì chắc chắn mô hình này sẽ là điểm sáng, là mô hình giúp người nghèo thoát nghèo, phát triển kinh tế hiệu quả và cần được nhân rộng.


Bài và ảnh: Quang Thái

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN