Dù đã bước qua mùa rẫy nhưng già làng K’Brịp, thôn Di Linh Thượng 1, xã Gung Ré, Di Linh (Lâm Đồng) vẫn rất minh mẫn. Trong ngôi nhà sàn nằm khiêm nhường cách xa khu trung tâm thị trấn Di Linh sầm uất, già chia sẻ với chúng tôi về quan niệm học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo cách của riêng mình.
Trong gian nhà sàn của mình, già K’Brịp chọn chỗ trang trọng nhất để treo những bằng khen mà mình đã đạt được. Đó là bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao tặng trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Bằng khen Chiến sỹ thi đua yêu nước toàn quốc năm 2010, Bằng khen điển hình tiêu biểu trong cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư" cấp tỉnh, Bằng khen trong công tác chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học… Với già, những Bằng khen ấy như báu vật, được trân trọng và giữ gìn cho con cháu noi theo.
Dù tuổi đã cao, nhưng hàng ngày già K’Brịp vẫn làm việc như các thành viên khác trong gia đình. Những người con của già nay đã lớn, có người đã lập gia đình, người là cán bộ xã… nhưng gia đình già vẫn giữ nếp sống truyền thống của người K’Ho. Gia đình có nguồn thu nhập ổn định từ vườn cà phê, ruộng lúa sau nhà như nhiều hộ khác trong buôn, nên già K'Brịp càng có điều kiện để hăng say tham gia công tác xã hội, đặc biệt là hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Già K’Brịp cho biết: “Tôi nghĩ là người dân lao động bình thường thì nên tập trung học tập theo Bác ở đức tính “cần” và “kiệm”. Như vậy mới mong nâng cao đời sống kinh tế, cải thiện thu nhập của gia đình để thoát nghèo”.
Khi cả nước sôi nổi hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" thì già K’Brịp cũng âm thầm học tập tấm gương của Bác theo cách của riêng mình. Với triết lý: “Mình là nông dân, nếu không cần cù, không tiết kiệm thì sẽ rất khó để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình", già đã vận dụng ngay vào thực tiễn để rèn luyện các đức tính quý báu ấy cho bản thân, cho gia đình, con cháu nhằm mục tiêu xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Không chỉ thế, già K’Brịp còn tuyên truyền, vận động bà con trong buôn làng cùng tham gia hưởng ứng phong trào. Trong vai trò Trưởng Ban công tác mặt trận của thôn, già được chọn kết hợp với Ban dân vận cùng tuyên truyền cho bà con xây dựng đời sống văn hóa, tham gia học tập theo gương Bác Hồ.
Với phương châm tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu”, đến nhà ai trong thôn, già lại nhỏ nhẹ nói chuyện về hiệu quả của việc cần cù lao động, tiết kiệm chi tiêu để xây dựng cuộc sống ấm no. Trong các buổi họp thôn, dịp lễ, Tết gặp mặt đông đủ bà con, già cũng tranh thủ lồng ghép tuyên truyền cho mọi người hiểu. Năm này qua năm khác, nhận thức của nhiều người dân trong vùng đã được nâng cao, các hủ tục trong ma chay, cưới hỏi đã giảm nhiều. Đặc biệt là bà con đã ý thức được việc tiết kiệm trong chi tiêu, các dịp lễ lạt, cưới hỏi được tổ chức ít tốn kém hơn trước đây và tục thách cưới bằng tiền, vàng rất cao cũng giảm dần. “Tôi mừng nhất là hiện nay bà con lao động cần cù hơn, biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao đời sống kinh tế” – già K’Brịp nói. Không dừng lại trong phạm vi buôn làng, già K’Brịp còn soạn một bài tham luận về ý nghĩa của đức tính “cần, kiệm” để trình bày trong dịp tổng kết cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Nguyễn Dũng