Thừa Thiên – Huế phát huy vai trò nòng cốt của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, góp phần chăm lo tốt đời sống của cộng đồng người dân tộc thiểu số. Già làng, trưởng bản là cầu nối giữa bà con với chính quyền cơ sở, tích cực tuyên truyền vận động bà con xây dựng thôn, xóm, bản làng ngày càng giàu đẹp, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Già Rắt bên nhà văn hóa cộng đồng thôn Ta Lu. Ảnh: SGGP Online |
Già làng Hồ Văn Rắt, 73 tuổi, thôn Ta Lu, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông là một trong những điển hình vận động bà con chặt phá những cây không có giá trị để cải tạo vườn tạp, tập trung trồng những cây có giá trị kinh tế cao như cao su, chuối. Già Rắt còn vận động nhân dân hiến đất, hiến cây xây dựng đường giao thông nông thôn. Già cũng tình nguyện hiến cho xã 400m2 đất làm nhà Gươl.
Thấy bà con trong bản phải uống nước suối không đảm bảo vệ sinh, già còn hiến thêm 150m2 đất để xã xây dựng công trình nước sạch. Nhờ vậy, trong thôn đã hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, xóa hết nhà tạm bợ dột nát, số gia đình thu nhập vài trăm triệu mỗi năm không còn hiếm.
Già làng Quỳnh Nhất ở thôn A Bung, xã Nhâm, một xã biên giới của huyện A Lưới, xung phong khai phá vùng đất mới, đưa dân làng về định canh định cư ở A Bung và hướng dẫn bà con biết chăn nuôi, trồng trọt ổn định cuộc sống. Già Nhất còn là người tiên phong đưa cây cà phê lên vùng cao A Lưới. Năm 1997, huyện A Lưới đầu tư cho xã Nhâm trồng cây cà phê nhưng chẳng ai dám trồng vì sợ bỏ rẫy cũ sẽ không có ăn. Già Nhất đã mạnh dạn trồng, bước đầu thu được hiệu quả kinh tế cao. Thấy cây cà phê hợp với thổ nhưỡng, già tuyên truyền bà con nên chuyển đổi cây trồng, từ đó cả bản quyết định chuyển sang canh tác cây cà phê. Già lại bắt tay chỉ việc cho từng người, bày kinh nghiệm từng li từng tí.
Cây cà phê thực sự đã giúp nhiều hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng biên có cuộc sống ấm no hơn. Già Quỳnh Nhất đã tiếp thêm niềm tin cho đồng bào Tà Ôi về sự lãnh đạo của Đảng. Do vậy, tình hình chính trị ở vùng biên này luôn giữ ổn định. Già làng Quỳnh Nhất cho biết: "Bà con có niềm tin vào Cụ Hồ, vào Ðảng, cho nên những già làng như chúng tôi phải thực hiện đúng chủ trương, đường lối thì bà con sẽ nghe và làm theo. Nhiều lúc lời nói phải như đinh đóng cột, nhưng có việc cũng phải nhẹ nhàng để bà con hiểu mà thực hiện và tin yêu mình".
Thừa Thiên - Huế có 174 già làng, trưởng bản, người có uy tín có ảnh hưởng rất lớn và là tấm gương sáng trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, cùng với việc đầu tư nguồn lực lớn cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vai trò già làng - trưởng bản cũng được phát huy mạnh mẽ, góp phần đổi thay cơ bản đời sống của bà con. Đến nay, hơn 10.000 đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ổn định định canh, định cư; 97% hộ có điện để dùng, 90% hộ gia đình được dùng nước hợp vệ sinh, hàng chục công trình thủy lợi được xây dựng phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, 100% xã có điện thoại cố định và phủ sóng điện thoại…
Thông qua chương trình 134, 167, các hộ nghèo được cấp đất sản xuất, được hỗ trợ xây dựng nhà mới khang trang. Nhiều bệnh dịch nguy hiểm đã được đẩy lùi, hàng trăm học sinh dân tộc thiểu số được cử tuyển đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Nhiều tập tục lạc hậu dần dần được xóa bỏ. Toàn tỉnh có 209 thôn đạt chuẩn văn hóa và hơn 16 nghìn hộ được công nhận gia đình văn hóa.
Với nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả, các già làng, trưởng bản đã động viên bà con tin và làm theo lời Đảng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 8%. Những ngày này, đi dọc các xã vùng biên, vùng dân tộc thiểu số, đến nơi đâu cũng thấy không khí hân hoan, phấn khởi của bà con dân tộc thiểu số Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu, Pa Hy... Không khí ấm áp của xuân mới đang ngập tràn khắp bản làng.
Tường Vi