Giá trị thực trong mùa “Sale” nước Úc

Đại hạ giá! Ưu đãi “khủng”! Xả hàng!...”, đó là những khẩu hiệu đang tràn ngập tại các cửa hàng, siêu thị ở Ôxtrâylia vào dịp chuyển giao năm tài chính này. Người mua kẻ bán tấp nập, nhưng nổi lên vẫn là hai trường phái mua sắm khác hẳn nhau. Và ở trường phái nào, người tiêu dùng Ôxtrâylia cũng quyết tâm đi tìm giá trị đích thực đằng sau những con số.


Hàng hiệu


Mỗi năm Ôxtrâylia có hai mùa “Sale” (Đại hạ giá), một là vào dịp chuyển giao năm tài chính (tháng 6, 7) và một vào dịp Noel cũng là dịp cuối năm. Tuy nhiên, dịp chuyển giao năm tài chính được xem là hạ giá “khủng” nhất khi các công ty lũ lượt xả hàng. Các cửa hàng bán đồ hiệu, như Gucci, Calvin Klein, Chanel, Louis Vuitton... đồng loạt giảm giá mạnh. Chỗ nào vắng khách, ắt hẳn cửa hàng đó không giảm giá, hoặc giảm quá ít, chỉ khoảng 5 - 10%.


 

Một cửa hàng chi chít giấy vàng ghi giảm giá.

 

Nói vậy không có nghĩa là những cửa hàng đông khách đã bán được hàng. Khách vào xem hàng đông như trẩy hội, nhưng những người tiến tới quầy tính tiền không nhiều. Lý do là giá cả vẫn “ở trên trời” dù các cửa hàng thông báo giảm giá 50 - 70%. Rất nhiều khách hàng cho rằng mức giá chưa tương đồng với chất lượng sản phẩm và họ nghi giá đã được đẩy lên để rồi “Sale”. Có sản phẩm ghi “Sale” tới vài mức giá mà khách hàng vẫn cầm xem giá rồi đặt vào chỗ cũ.


Tại các cửa hàng lớn, một đội ngũ cò mồi luôn trực sẵn để phục vụ khách hàng. Đang băn khoăn vì thấy một chiếc áo da rất hợp ý nhưng giá vẫn quá cao dù đã “Sale” tới 50%, tôi được một anh cò mồi săn đón. Anh này bảo tôi cứ thoải mái chọn, nếu quyết định lấy chiếc áo đó thì bảo anh ta, anh ta sẽ cung cấp với giá “mềm” hơn một chút. Thấy tôi băn khoăn về nguồn gốc sản phẩm, anh này giải thích rằng hàng không có gì khác, anh ta trót mua sai cỡ nhưng không đổi lại được nên tìm người đem bán lại. Chuyện trò qua lại, anh cò mồi hồ hởi bảo tôi thích đồ gì ở trong cửa hàng này anh cũng có. Tất nhiên, giá sẽ rẻ hơn một chút (thường là bớt đi một phần đơn vị lẻ ghi trên giá bán). Anh ta còn có điện thoại liên hệ, nhưng hoạt động giao dịch như vậy chỉ tồn tại trong ngày. Tôi dám chắc anh này không thể mua sai cỡ mọi thứ trong cửa hàng như lời anh ta giải thích.


Hàng phổ thông


Mọi sự chú ý năm nay đều dồn vào các sản phẩm của Bănglađét. Lý do là các cửa hàng này giảm giá “tới bến”, không gì có thể giảm hơn thế. Trước khi vào mùa “Sale”, các sản phẩm của Bănglađét, đặc biệt là mặt hàng quần áo thời trang, đã đồng loạt giảm giá do tác động của vụ tai nạn lao động ở nước này hồi tháng 4/2013 khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Có một sự liên hệ dù mong manh trong lòng người tiêu dùng Ôxtrâylia, đó là rất có thể những sản phẩm đang được bày bán, những chiếc áo họ đang mặc, hay cất trong tủ, là do một trong số những công nhân thiệt mạng làm ra. Vì vậy, họ không muốn có mối liên hệ nào với sản phẩm may mặc của Bănglađét nữa.


Tới mùa “Sale”, các mặt hàng của Bănglađét lập kỷ lục về giá rẻ. Thực trạng này thậm chí tạo ra một làn sóng “thời trang một mùa” tại Ôxtrâylia. Người tiêu dùng Ôxtrâylia đã phần nào chấp nhận các sản phẩm của Bănglađét sau khi một loạt doanh nghiệp nhập khẩu khổng lồ như Big W, Cotton On, Pacific Brands... khẳng định không hề liên đới trong vụ tai nạn lao động tại Bănglađét. Yên tâm phần nào, người tiêu dùng Ôxtrâylia gật đầu với hàng Bănglađét dù ai đó xác định có khi chỉ sài đồ đó trong một mùa.


Có thể nói mùa “Sale” năm nay ở Ôxtrâylia là một hành trình đi tìm giá trị thật. Giá trị đó có thể là ở những con số, cũng có thể dựa trên sinh mạng con người, nhưng suy cho cùng, mọi giá trị đều trở thành hư vô nếu thiếu đi lòng tin - một nhân tố vô cùng mong manh nhưng cũng hàm chứa một sức mạnh ghê gớm.


Bài và ảnh: Đỗ Vân (P/v TTXVN tại Ôxtrâylia)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN