Giải bài toán vốn vay cho doanh nghiệp - Bài 1: Người khát khao, kẻ hững hờ

Lãi suất giảm sâu từ mức trên 24% của những năm trước xuống chỉ xung quanh mức 8 - 9% là điều kiện giúp tháo gỡ khó khăn dể doanh nghiệp ổn định sản xuất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, ngành ngân hàng cần nới rộng hơn các điều kiện cho vay để doanh nghiệp (DN) có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.


Bài 1: Người khát khao, kẻ hững hờ

 

Theo kết quả khảo sát 100 doanh nghiệp của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tiến hành trong 4 tháng gần đây, 50% doanh nghiệp vẫn khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay tại ngân hàng. Mặt khác, không ít doanh nghiệp đang chờ những động thái tốt từ thị trường mới tìm đến ngân hàng.


“Đau đầu” vì vốn vay


Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay: Hiện lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 8 - 9%; sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9 - 11,5%, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 3 - 5% so với cuối năm 2012 và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005 - 2006. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn đang than khó về việc tiếp cận vốn do vướng các điều kiện về quy trình, thủ tục vay, nhất là tài sản thế chấp... Trong khi đó, vì không có nguồn tài chính dồi dào nên nhiều DNNVV đã không thể đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cấp công nghệ, trang thiết bị và nhà xưởng...

 

Được vay vốn, DN sẽ có cơ hội mở rộng sản xuất (ảnh chụp tại Công ty Vissan). Hoàng Tuyết


Tổng Giám đốc Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) Bùi Ngọc Huyên bức xúc: “Doanh nghiệp đã bỏ hàng trăm, ngàn tỷ đồng đầu tư công nghệ cao nhằm tăng nội địa hóa ô tô, mà trước đó ngân hàng đã hứa cho vay nếu đủ tài sản thế chấp. Nhưng từ tháng 3/2012 đến nay, doanh nghiệp chưa vay được đồng nào dù tài sản đã được công ty của Bộ Tài chính định giá gấp 3 lần số tiền vay".


Thiếu vốn sản xuất kinh doanh, trong khi tiền thuê đất vẫn cao càng đẩy doanh nghiệp rơi vào vòng luẩn quẩn về vốn. Theo ông Phạm Hồng Thanh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long, nhiều doanh nghiệp đã được giãn, giảm tiền thuế đất nhưng vẫn rất khó khăn. Giá lao động hiện không còn là lợi thế của doanh nghiệp cộng với năng suất lao động thấp, nên doanh nghiệp đã đề xuất thành phố Hà Nội cần quan tâm hỗ trợ về vốn nhiều hơn cho doanh nghiệp.


Chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Công ty Sản xuất in bao bì Trang Tín (quận 6) nói: “Hơn 10 năm nay nhà xưởng máy móc đã xuống cấp trầm trọng nhưng chúng tôi vẫn gặp bế tắc vì không tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ”. Tương tự, đại diện Công ty TNHH sản xuất - thương mại Hanh Thông (quận 9) cho biết: Công ty chuyên sản xuất các sản phẩm trà, có thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các thị trường Lào, Campuchia, châu Phi... Vừa qua do nhu cầu mặt hàng này tăng cao nên công ty dự định mở rộng sản xuất nhưng lại không có vốn đầu tư. “Dù công ty chứng minh được dự án vay có tính khả thi cao nhưng do không có tài sản thế chấp nên không thể tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ các ngân hàng. Trước mắt, để giải quyết vấn đề vốn, công ty cũng đang đi tìm thêm đối tác để kết hợp đầu tư”, lãnh đạo Công ty Hanh Thông chia sẻ.


Theo ông Nguyễn Văn Diệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long, số lượng các doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng trên địa bàn những năm qua còn rất ít, chỉ khoảng 27%. Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, không có phương án vay vốn khả thi, không còn tài sản thế chấp nên không đáp ứng được điều kiện vay mới.


Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt nhìn nhận: Đúng là có hiện tượng ngân hàng “khó” cho doanh nghiệp vay vì quan ngại trách nhiệm và nợ xấu. Tuy nhiên, ở mặt khác thì nhiều doanh nghiệp vì không có chiến lược cụ thể, làm ăn manh mún, chộp giật nên ngân hàng cũng không thể cho vay dễ dãi.


Hững hờ vì hàng sản xuất ra khó bán


Trong lúc có DN “đói” vốn thì có DN lại hững hờ. Ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh nói: “Nhiều DN vận tải không dám vay vốn ngân hàng bởi việc kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn. Ngành vận tải phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn trong khi đó, gánh nặng ‘phí chồng phí’ lại rất nặng nề. Hiện một phương tiện chở hàng chạy trên đường hiện đang phải gánh 15 - 16 loại thuế và phí (chính thức và không chính thức)... nên nhiều DN buộc phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh”.


Đồng tình quan điểm này, một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cho hay: Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang ế ẩm như hiện nay thì vay vốn để đầu tư, kinh doanh nhà sẽ gặp nhiều rủi ro. Vì vậy, không ít công ty bất động sản đang cầm cự để chờ thị trường khởi sắc.


Ông Nguyễn Đức Tố, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV tỉnh Bắc Ninh, cho biết: Theo khảo sát đối với các DN trên địa bàn tỉnh, có 60% doanh nghiệp cho rằng, việc nới lỏng tín dụng có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh; khoảng 20% DN chia sẻ việc nới lỏng tín dụng không có tác động gì vì sức mua của thị trường giảm nên doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn để mở rộng nhu cầu sản xuất kinh doanh.


Theo nhận định mới nhất của Tổng cục Thống kê (TCTK), kinh tế tăng trưởng thấp, sức mua yếu khiến số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động tiếp tục tăng. Trong năm 2013, cả nước có khoảng 60.737 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động, tăng 12% so với năm trước. Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng TCTK cho hay: Cho dù năm nay, số doanh nghiệp mới thành lập tăng lên (tăng 10% so với năm trước) nhưng quy mô lại giảm đi (giảm 15%), năng lực sản xuất thấp hơn. Điều này đồng nghĩa với việc, không ít doanh nghiệp đã không vay vốn nhiều để mở rộng sản xuất do sợ thua lỗ.


M.Phương - H.Tuyết

Bài cuối: Nới điều kiện tiếp cận vốn vay

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN