Sản xuất sợi tại một công ty dệt may. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN |
Ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính đã có những trao đổi với phóng viên TTXVN xung quanh vấn đề này.
Cơ cấu lại ngân sách nhà nước như thế nào cho hiệu quả là bài toán chung của nhiều nước hiện nay; trong đó có Việt Nam. Là chuyên gia nghiên cứu lâu năm trong lĩnh vực tài chính – ngân sách, xin ông cho biết, những vấn đề cần lưu ý trong cơ cấu lại ngân sách nhà nước?Diễn biến những năm gần đây cho thấy, rất nhiều nước trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt với một số rủi ro tài khóa nhất định, đặc biệt là khi xét từ tầm nhìn trung và dài hạn. Đó là tình trạng bội chi ngân sách kéo dài và sự gia tăng liên tục của nợ công. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã cho thấy sự chậm trễ trong việc thực hiện củng cố tài khóa, cơ cấu lại ngân sách nhà nước có thể gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực đối với nền kinh tế.
Để có thể cơ cấu lại ngân sách nhà nước một cách thành công và hiệu quả, nhiều nước trên thế giới đã có những giải pháp toàn diện, kịp thời và giải quyết đồng bộ được các mặt có liên quan đến nền tài chính công.
Cụ thể, thực hiện cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước theo một lộ trình tổng thể, giảm dần quy mô chi thường xuyên, thực hiện giảm bội chi với một cam kết mạnh mẽ; cải cách hệ thống chính sách thuế để hình thành một hệ thống thuế với cơ cấu phù hợp, bền vững.
Trong đó, các nước cũng đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của các sắc thuế đang có tiềm năng và dư địa mở rộng quy mô thu ngân sách nhà nước như thuế giá trị gia tăng, thuế tài sản. Đồng thời, chủ động kiểm soát chặt chẽ các rủi ro về nợ công, kiên định duy trì các giới hạn về nợ công theo mục tiêu đề ra; nâng cao kỷ luật tài khóa.
Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi, bổ sung các luật thuế sẽ giúp cơ cấu lại nguồn ngân sách nhà nước, đảm bảo tăng trưởng nguồn thu ngân sách nhà nước trong trung và dài hạn. Xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?Yêu cầu đặt ra hiện nay đối với Việt Nam là cần phải có một kế hoạch tổng thể về cơ cấu lại ngân sách nhà nước để từng bước giảm dần mức bội chi ngân sách, qua đó hạn chế sự gia tăng của nợ công, xây dựng một nền tài chính công an toàn, bền vững. Bộ Chính trị, Quốc hội đã ban hành các nghị quyết liên quan đến cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công...
Cùng với việc thực hiện các giải pháp về cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước thì việc thực hiện cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.
Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng GDP đang thấp hơn kỳ vọng cùng với việc thực hiện cắt giảm hàng rào thuế quan ở mức cao khi tham gia các Hiệp định Thương mại tự do, quy mô thu ngân sách nhà nước của Việt Nam thời gian tới có thể sẽ không đạt được các mức tính toán ban đầu khi xây dựng Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 nếu không có các điều chỉnh về chính sách thu ngân sách nhà nước phù hợp, kịp thời.
Trong khi đó, áp lực về nguồn lực cho đầu tư phát triển và cho việc thực hiện các mục tiêu về an sinh xã hội, cải cách tiền lương hay ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai… những năm tới dự báo cũng sẽ còn rất lớn. Theo tôi, việc sửa đổi 5 luật thuế như đề xuất mới đây của Bộ Tài chính sẽ góp phần cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước; đảm bảo tính bền vững hơn trong cơ cấu thu ngân sách nhà nước, đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đầu tư, điều tiết thu nhập hợp lý, đảm bảo sự phù hợp với xu hướng cải cách thuế trên thế giới hiện nay.
Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình thực hiện, Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành đã phát sinh nhiều vướng mắc về đối tượng không chịu thuế; mức thuế suất thông thường 10% tương đối thấp... Xin ông cho biết, vấn đề điều chỉnh như thế nào thì phù hợp với Việt Nam?
Như trình bày ở trên, để cơ cấu lại ngân sách nhà nước đòi hỏi cần phải có một chiến lược tổng thể, trong đó, bao gồm cả những giải pháp về cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước. Mức độ hội nhập về kinh tế quốc tế ngày càng gia tăng, các quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã liên tục cắt giảm thuế suất thuế thu nhập, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp, để thu hút vốn, công nghệ và lao động từ bên ngoài. Cùng với đó là tăng cường vai trò của các sắc thuế tiêu dùng, bao gồm thuế giá trị gia tăng để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Có thể thấy, nhiều nước đã hoặc đang xem xét điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng như là một giải pháp quan trọng để củng cố tài khóa và cơ cấu lại ngân sách. Trong khu vực châu Âu, Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Âu (OECD), châu Á, mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đã được điều chỉnh tăng kể từ sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 để có thêm nguồn thu cho ngân sách nhằm giảm áp lực gia tăng của nợ công.
Trong bối cảnh thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam là khá thấp trong khu vực, chính sách thuế thu nhập cá nhân những năm qua lại được điều chỉnh theo hướng tăng mức giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc, thì trước yêu cầu của việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nhiều chính sách ưu đãi thuế cũng đang được thực hiện để thúc đẩy và khuyến khích đầu tư. Theo tôi, việc tăng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng như đề xuất cũng là cần thiết, qua đó, góp phần hình thành được một cơ cấu thu ngân sách nhà nước bền vững hơn, đảm bảo xử lý hài hòa các mục tiêu có liên quan.
Nhiều ý kiến cho rằng việc tăng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng như đề xuất của Bộ Tài chính sẽ có tác động rất lớn đến quyết định tiêu dùng trong xã hội. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Đối với mọi sắc thuế, trong đó có thuế giá trị gia tăng thì sự điều chỉnh thuế suất hay cơ sở tính thuế sẽ có các tác động khác nhau đến các mặt của nền kinh tế. Tuy nhiên, quy mô và mức độ tác động phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm và các thức thiết kế chính sách.
So với các sắc thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng được cho là hiệu quả hơn và ít gây các tác động “bóp méo” đối với các quyết định tiêu dùng trong xã hội. Nhược điểm của thuế giá trị gia tăng được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến là tính lũy thoái, song nhược điểm này có thể được khắc phục một phần thông qua các cách thức thiết kế chính sách phù hợp.
Ở nước ta, để giảm bớt gánh nặng thuế cho người có thu nhập thấp, Luật Thuế Giá trị gia tăng hiện hành đã quy định hầu hết các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống của người dân đều thuộc đối tượng không chịu thuế (hiện có 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ) hoặc thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng nhưng ở mức thuế suất ưu đãi 5% (như: thực phẩm tươi sống; thuốc chữa bệnh, phòng bệnh; hàng hóa, dịch vụ là đầu vào của sản xuất nông nghiệp...).
Xin cảm ơn ông!