Cả hai thông tư này được các chuyên gia đồng tình và cho rằng sẽ giúp khơi thông ngoại tệ, thúc đẩy nền kinh tế phát triển và kìm hãm tín dụng bất động sản (BĐS) không bị tăng trưởng nóng.
Doanh nghiệp xuất khẩu được lợi
Theo Thông tư 07, một trong các đối tượng không được vay ngoại tệ theo Thông tư 24 trước đây là doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sẽ được vay lại ngoại tệ. Quy định này có hiệu lực từ hôm nay (1/6) và thực hiện đến hết ngày 31/12/2016.
Chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Tin học - kinh tế ứng dụng cho biết, Thông tư 07 đã thể hiện được sự lắng nghe của NHNN. Điều này có lợi cho DN xuất khẩu. Rõ ràng, hiện nay đồng tiền VND vẫn chưa chuyển đổi với nước ngoài. Nếu dùng đồng tiền Việt để xuất khẩu sẽ gặp nhiều thiệt hại bởi phần lớn DN xuất khẩu thu ngoại tệ về. Nếu không cho họ vay ngoại tệ, đặc biệt là USD thì DN buộc phải vay VND rồi mua ngoại tệ để sản xuất hàng hóa. Trong khi đó, lãi suất VND đang rất cao, như vậy sẽ hạn chế sự cạnh tranh xuất khẩu với các DN FDI trong nước, không có lợi cho việc cạnh tranh khi hội nhập. Vì thế, việc ban hành Thông tư 07 sẽ giúp cho DN xuất khẩu giảm bớt gánh nặng này. NHNN cũng không phải lo về khoản USD trả nợ cho ngân hàng bởi DN xuất khẩu có nguồn USD trực tiếp từ việc xuất khẩu, không gây rủi ro về ngoại tệ.
Thông tư 06, 07 của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp các DN xuất khẩu giảm bớt áp lực về ngoại tệ. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Đồng tình với nhận định trên, nhưng TS Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho rằng, Thông tư 07 thật sự đã cởi rất nhiều nút thắt hiện nay. Thứ nhất, việc cởi nút thắt cho DN xuất khẩu không chỉ giảm áp lực về vay USD mà còn giúp DN được hưởng lãi suất vay USD thấp. Bởi lãi suất vay VND hiện cao gần gấp đôi lãi suất USD. Trong khi đó, lãi suất vay ngắn hạn USD là 3 - 4%, còn trung và dài hạn là 5 - 6%.
Thứ 2, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam đang rất yếu. “Xét về tỷ lệ cán cân thương mại của các DN XNK thì âm khoảng 7 tỷ USD. Riêng cán cân thương mại với FDI lại dương hơn 8 tỷ. Như vậy xuất siêu của Việt Nam đến hơn 1 tỷ USD. Vì vậy, Thông tư 07 sẽ có lợi cho DN XNK Việt Nam. Vì nếu tăng độ dương cán cân thương mại cho DN nội địa lên thì tương lai nền kinh tế bớt phụ thuộc vào DN FDI. NHNN điều chỉnh lại thông tư này đã giúp các DN trong nước tăng sự cạnh tranh xuất khẩu với các DN nước ngoài”, TS Tín phân tích.
Thứ 3, Thông tư 07 ban hành đúng thời điểm DN đang khát vốn, khó khăn và ngân hàng thương mại (NHTM) đang dư thanh khoản USD. Có thể thấy, nhiều NHTM đã phải gửi USD ra nước ngoài để kiếm lợi nhuận. Như vậy, Thông tư 07 chính là lối thoát cho DN lẫn NHTM, NHNN vì giảm được nhiều áp lực.
Giảm áp lực nợ xấu
Bên cạnh Thông tư 07, thì Thông tư 06 cũng đem lại nhiều tích cực cho DN BĐS và NHNN. Cụ thể, theo Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT - NHNN về quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (Thông tư 36). Trong đó, vấn đề được dư luận quan tâm nhất thời gian qua liên quan đến tín dụng BĐS. Đó là tăng hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS từ 150% lên 200%; và sửa tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn hợp lý. Trước mắt, vẫn giữ nguyên 60% trong năm 2016, đến đầu 2017 giảm xuống 50% và năm 2018 xuống còn 40%.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, việc điều chỉnh hệ số rủi ro có giảm nhẹ đi so với dự thảo Thông tư 36 và có lộ trình. Nhìn chung, việc ban hành Thông tư 06 là hợp lý, hài hòa vì năm 2014, 2015 thị trường BĐS được xem là có sự tăng trưởng nóng, gây nguy hiểm cho tín dụng BĐS. Vì thế, Thông tư 06 sẽ kiểm soát được nguồn tín dụng BĐS, nhưng vẫn không gây sốc đột ngột cho các DN đầu tư BĐS.
Phân tích thêm về vấn đề này, TS Bùi Quang Tín cho biết việc NHNN tiếp tục giữ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn 60% trong năm nay sẽ giúp cho 2 đối tượng. Đối tượng thứ nhất là những nhà đầu tư BĐS có nguồn vốn vay từ phía NHTM nhằm giải quyết hàng tồn kho BĐS, nhất là các dự án dở dang. “Giải quyết câu chuyện đó là giải quyết của một phần nợ xấu, tức là sẽ tạo ra dòng vốn trong nền kinh tế lưu thông. Như vậy sẽ giúp nền kinh tế phát triển và hỗ trợ cho nền kinh tế”, TS Tín nói. Bên cạnh đó, mặc dù giúp cho thị trường BĐS phát triển, tín dụng BĐS tăng trưởng nhưng NHNN vẫn muốn kiểm soát nguồn dư nợ tín dụng này không thể tăng trưởng nóng thông qua việc tăng hệ số rủi ro của cho vay BĐS, từ 150% - 200%. “Bởi tăng hệ số này tác động trực tiếp đến công thức tính tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống NHTM. Và khi hệ số rủi ro tăng lên mà muốn duy trì tỷ lệ an toàn vốn thì buộc các NHTM phải giảm dư nợ cho vay BĐS xuống”, TS Tín phân tích thêm.