Ngay sau khi NHNN có quyết định giảm đồng loạt tất cả các mức lãi suất chủ chốt kể từ ngày 10/7, một số NHTM đã tiên phong thực hiện như LienVietPost Bank, VPBank, Agribank...
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, lãnh đạo Ngân hàng VPBank nói: “VPBank đã chính thức công bố các chương trình giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), trở thành ngân hàng đầu tiên thực hiện quyết định điều chỉnh giảm lãi suất mà NHNN công bố cuối tuần qua”.
Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các doanh nghiệp SME được VPBank điều chỉnh giảm từ 0,5-1%, tùy lĩnh vực ngành nghề của doanh nghiệp. Mức lãi suất mới sẽ được áp dụng kể từ ngày 10/7. Quyết định giảm lãi suất cho các doanh nghiệp SME được đưa ra ngay sau khi NHNN thông báo giảm 0,25% lãi suất điều hành; đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ môt số lĩnh vực, ngành kinh tế.
"Các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy nền kinh tế đang dần ổn định, đó là cơ sở để giảm lãi suất vào thời điểm này. Quyết định giảm lãi suất lần này sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ có thêm nguồn vốn hợp lý để tận dụng những cơ hội kinh doanh trong thời gian tới," đại diện cấp cao của VPBank chia sẻ.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng LienVietPostBank. |
Còn Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank TS. Nguyễn Đức Hưởng cho hay: Nhằm thực hiện tốt chỉ đạo của NHNN về thực hiện các giải pháp về lãi suất; đồng thời căn cứ từ tín hiệu thị trường cũng như tiếp tục tiết giảm chi phí, lợi nhuận…, LienVietPostBank đã quyết định giảm lãi suất để giúp khách hàng có giá vốn tốt hơn, hoạt động kinh doanh hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, từ ngày 8/7, LienVietPostBank giảm 0,25% lãi suất cho vay đối với tất cả các kỳ hạn cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch xếp hạng AA trở lên. Đặc biệt, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số ngành nghề ưu tiên theo quy định của NHNN chỉ còn tối đa là 6%/năm tức là thấp hơn 0,5%/năm so mức trần tối đa NHNN mới quy định (kể từ ngày 10/7, trần lãi suất cho vay đồng VND ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên được áp dụng là 6,5%/năm).
Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang (Antesco) cho hay: Từ tháng 4/2017, Antesco đã được Agribank An Giang chính thức cấp hạn mức cho vay 3 triệu USD/năm để phục vụ sản xuất xuất khẩu nông sản. “Hiện mỗi năm Antesco xuất khẩu khoảng 25.000 tấn rau, quả. Doanh nghiệp này đang thực hiện chuỗi liên kết sản xuất rau quả khép kín tại An Giang do vậy nhu cầu vốn thường xuyên để thu mua nguyên liệu rất lớn. Năm 2016, chi phí để sản xuất và thu mua nguyên liệu của Antesco ước khoảng trên 307 tỷ đồng. Vì thế, nếu không vay được vốn lãi suất thấp từ các ngân hàng thì lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng rất nặng do chi phí trả lãi tăng cao”, Tổng giám đốc Antesco nói.
Một cán bộ Agribank An Giang chia sẻ: Hiện lãi suất vay USD đối với Antesco khoảng 2,7%/năm đối với kỳ hạn ngắn. Nếu doanh nghiệp bán lại USD cho ngân hàng sau đó nhận về VND thì cộng tất cả các phí và chênh lệch tỷ giá thì mức chi phí doanh nghiệp thực phải trả cho ngân hàng khoảng 4%/năm. Mức này thấp hơn khoảng 3% so với vay vốn trực tiếp bằng tiền VND, do lãi suất cho vay ngắn hạn VND với các doanh nghiệp thực hiện liên kết chuỗi như Antesco khoảng 7%/năm.
Giảm lãi suất phụ thuộc vào tiến độ xử lý nợ xấu
“Chủ trương của Chính phủ năm nay là tín dụng tăng cao hơn dự kiến khoảng 18-20%, thường điểm rơi tín dụng vào quý I/2017. Khi nhu cầu vốn tăng cao sẽ tạo áp lực lên cung vốn. Nếu lúc đó, ngân hàng không chuẩn bị đủ nguồn lực sẽ buộc phải đẩy lãi suất lên chắc chắn khi đó sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát. Vì vậy, NHNN đã chủ động dự trù điều chỉnh sớm từ quý III để các ngân hàng chủ động cân đối nguồn vốn cho vay khách hàng một cách hợp lý”, chuyên gia kinh tế nói.
Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, Trong 6 tháng đầu năm nay việc ổn định lãi suất cũng như động thái giảm lãi suất vừa qua, ổn định tỷ giá, duy trì lãi suất tiền gửi ngoại tệ ở mức 0% là sự nỗ lực và là cách điều hành phù hợp của NHNN nhằm hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát hiện tại và tương lai, đạt mục tiêu tăng trưởng GDP. Điều này cũng thể hiện thông điệp ngành ngân hàng đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp. Tuy nhiên trong thời gian tới không nên đặt ra vấn đề tiếp tục giảm lãi suất.
Ông Hiếu cho rằng, giữ mặt bằng lãi suất ổn định như hiện nay được xem là thành công của NHNN. Lãi suất cho vay phổ biến của các TCTD khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn ưu đãi từ 4-5%/năm. Các mức lãi suất này tương đối phù hợp trong điều kiện của thị trường tài chính hiện nay .
"Các ngân hàng đang cạnh tranh với các thị trường khác bao gồm thị trường bất động sản và chứng khoán để thu hút vốn huy động; đồng thời đang nỗ lực cho vay để kiếm lời và bù đắp những chi phí, trong đó có dự phòng rủi ro cho nợ xấu. Trước những thách thức đó, NHNN đã tính toán để giảm lãi suất cho vay hiện nay là sự cố gắng để góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy sản suất", ông Hiếu cho biết.