Không còn sinh viên bỏ học vì thiếu tiềnNguồn vốn tín dụng chính sách mà Chính phủ giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) thực hiện cho một số đối tượng vay vốn là những người thuộc diện chính sách, người khó khăn, các hộ nghèo, các hộ là dân tộc thiểu số và học sinh, sinh viên (HSSV); sau 13 năm thực hiện đã có gần 28 triệu hộ được vay vốn. Đây là con số được các đại biểu Quốc hội đưa ra tại buổi giao lưu trực tuyến "Chính sách an sinh xã hội - Vai trò của đại biểu Quốc hội" ngày 7/3 (do Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, báo Điện tử Đại biểu Nhân dân tổ chức).
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam trao quà cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách thuộc xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN |
Theo đại biểu Hoàng Thị Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đây là một kết quả đáng mừng. Việc cho vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo có cuộc sống ổn định hơn; HSSV học tập đạt kết quả cao hơn và đặc biệt không còn tình trạng sinh viên phải bỏ học vì không đủ điều kiện kinh tế.
“Cách đây 25 năm, nhiều gia đình có con đỗ đại học và kinh tế gặp khó khăn, họ ước mơ vay được vốn ngân hàng. Vào thời điểm đó, tôi là trưởng ban nữ công của ngành giáo dục một huyện đã có nhiều đề xuất cho giáo viên và sinh viên vay tiền, nhưng chưa có cơ chế. Sau đó 10 năm, Chính phủ đã thành lập được NHCSXH. Đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho người dân cũng như sinh viên thuộc diện chính sách xã hội vay vốn thuận lợi”, đại biểu Hoa chia sẻ.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng nhận định, tín dụng cho người nghèo và cận nghèo là một chính sách then chốt và là điểm sáng trong thực hiện công cuộc giảm nghèo thời gian vừa qua. Qua giám sát, Quốc hội đánh giá, tín dụng chính sách cho giảm nghèo thời gian qua đã trực tiếp cho hơn 10 triệu lượt hộ nghèo vay, góp phần giảm nghèo cho 3,2 triệu lượt hộ; xây dựng trên 6 triệu công trình phục vụ cho giảm nghèo; cho vay trên 3,3 triệu lượt sinh viên, học sinh; hỗ trợ làm nhà mới hoặc cải tạo nhà cho trên 500.000 hộ nghèo; hỗ trợ trên 100.000 hộ làm nhà tránh lũ...
Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cũng cho biết, chính sách an sinh xã hội (ASXH) thời gian vừa qua được cử tri đánh giá rất cao. “Tôi cho rằng càng ngày chính sách ASXH của Nhà nước càng được đầu tư cao hơn. Nếu như năm 2012 tổng chi cho ASXH bằng 5,88% GDP thì đến năm 2015 con số này tăng lên khoảng trên 6,6% GDP. Bên cạnh đó, lần đầu tiên chính sách ASXH được quy định trong Hiến pháp 2013. Điều này thể hiện rất rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cho công tác này”, đại biểu Khúc Thị Duyền nhấn mạnh.
Điều chỉnh chính sách kịp thời, phù hợpMới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 306/QĐ-TTg về điều chỉnh mức cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn. Theo đó, từ ngày 15/3/2016, mức vốn cho vay đối với một hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tối đa là 50 triệu đồng thay vì 30 triệu đồng như hiện nay.
“Để hoạt động giám sát chính sách tín dụng thực sự có hiệu quả, cần chú trọng một số yêu cầu sau: Hoạt động giám sát phải đến được với người nghèo. Trong mỗi cuộc giám sát phải bố trí thời gian chương trình để đoàn giám sát gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với người nghèo, lắng nghe ý kiến của họ. Từ đó, có những đánh giá toàn diện, khách quan, sát với thực tế. Trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp, những chính sách tháo gỡ kịp thời, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân; Tăng cường hoạt động giám sát ở cấp cơ sở bởi vì, trong giai đoạn tới, yêu cầu về "giảm nghèo theo địa chỉ" - tức là giảm nghèo theo nguyên nhân nghèo của từng hộ đặt ra rất cao” .
(Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng) |
“Chúng tôi đánh giá cao việc điều chỉnh mức cho vay này. Mức vay tối đa 30 triệu đồng/hộ áp dụng trong một thời gian dài và đã phát huy hiệu quả tín dụng rất tốt. Tuy nhiên, khi đi giám sát, chúng tôi thấy rằng, mức vay như vậy chưa phù hợp với thực tiễn sản xuất kinh doanh trong giảm nghèo ở nhiều địa bàn”, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cho biết. Đại biểu Hùng dẫn chứng, một hộ gia đình người dân tộc thiểu số muốn vay vốn để nuôi trâu, bò; hay ở Tây Nguyên, người dân muốn phát triển cây công nghiệp như cao su, chè, cà phê thì mức vay 30 triệu đồng/hộ chưa đáp ứng được.
Đồng quan điểm này, đại biểu Hoàng Thị Hoa nhận định, thực tiễn giám sát tại nhiều địa phương, nhất là vùng núi như Cao Bằng, Lai Châu, Hà Tĩnh cho thấy người dân rất phấn khởi vì có sự ưu tiên trong vay vốn mà NHCSXH thực hiện.
Tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ NHCSXH và các cơ chế ưu đãi của chính sách cho vay đã tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất cho nhân nhân vùng khó khăn. Tuy nhiên, người dân cũng đề xuất về thời hạn cho vay cần tính theo chu kỳ sản xuất như trồng rừng, chăn nuôi gia súc...
NHCSXH đã điều chỉnh mức cho vay tối đa từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng với hộ gia đình; mức cho vay đối với HSSV từ 1 triệu đồng lên 1,250 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đại biểu Hoa cho rằng, mức tăng này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. “NHCSXH cần quan tâm hơn nữa tới đối tượng là HSSV. Bên cạnh đó, cần quan tâm phối hợp với việc định hướng nghề nghiệp để đến khi HSSV tốt nghiệp ra trường có việc làm và trả được vốn vay cho NHCSXH”, đại biểu Hoa đề xuất.
Về việc điều chỉnh mức vay với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn theo Quyết định 307 QĐ-TTg ngày 26/2 vừa qua, theo đó, thương nhân vay vốn trên 50 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay; đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, bất kỳ một hoạt động tín dụng nào thì cũng phải bảo toàn và phát triển được vốn, do đó việc quy định như vậy là cần thiết. “Tuy nhiên, với khung quy định như vậy cũng có thể tạo ra những khó khăn nhất định đối với một số thương nhân có nhu cầu vay vốn với quy mô lớn hơn. Trong trường hợp đó, thương nhân cũng phải xác định đồng trách nhiệm với Nhà nước trong việc vay, quản lý, sử dụng vốn để bảo đảm nguồn vốn được bảo toàn, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả”, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh.